Sự kiện hot
8 năm trước

5 câu hỏi trong ngày tăng lương cơ sở

Hôm nay, ngày 1.7, lương cơ sở đối với gần 6 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng. Liệu mức tăng này đã hợp lý và tác động của việc tăng lương lên thị trường thế nào…

Tăng 7% là nhiều hay ít?

Nhìn vào biểu đồ tăng lương cơ sở từ 2010 đến nay có thế thấy từ đợt tăng lương 30.6.2013 đến nay, mức tăng khá đồng đều, mỗi năm tăng khoảng 7% so với mức cũ. Cụ thể lần này mức tăng là 90.000 đồng trên một hệ số lương. Một công chức đi làm khoảng 10 năm, hệ số lương là 3,16 thì mỗi tháng sẽ thêm vào thu nhập khoảng 300.000 đồng.

“Đối với một gia đình thì khoản tăng thêm này không hề lớn - anh Nguyễn Quang Anh, một công chức ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết - hai vợ chồng tôi đều là công chức, coi như được thêm chưa đầy 700.000, không đủ… hai lần đi đám cưới. Nhưng tăng còn hơn… không tăng”.

Theo các chuyên gia đánh giá, lương công chức hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ dao động trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/ tháng. Mức lương này chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Vì thế có hiện tượng một bộ phận công chức phải làm thêm, kiếm thêm để có khoản thu nhập mềm bù đắp cho phần cứng.

Nghịch lý là dù lương công chức còn thấp nhưng hai chữ “biên chế” vẫn có sức hấp dẫn tới mức có những người bỏ ra cả trăm triệu để chạy vào biên chế nhà nước.

Các chuyên gia đã lý giải một phần vấn đề này: “Bởi thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý, vùng miền….), không giới hạn, không minh bạch, không rõ ràng. Phần thu nhập ngoài lương này, không ai có thể thống kê, đánh giá định lượng được phần nào là chính đáng”.

Đối với đợt tăng lương này, trao đổi với PV Báo Lao động, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng việc tăng lương không nhận được sự chờ đón hay hào hứng của người lao động là điều tất nhiên, và có một số lý do chính. Điểm lại mấy năm nay, nhịp tăng lương rất nhỏ giọt, thậm chí có năm cân nhắc mãi rồi không tăng. Trong khi đó, nếu so với sự tăng trưởng của GDP thì dường như người lao động, công chức, viên chức chưa được thụ hưởng và chia sẻ thành quả của sự phát triển kinh tế.

Thêm một con số so sánh, mới đây Tổng LĐLĐVN đã đề xuất mức lương tối thiểu vùng tăng 13% với năm ngoái thì mức tăng lương cơ sở tương đương 7,4% không quá cao nhưng chấp nhận được. Có tác động thế nào đến giá cả thị trường?

Câu trả lời là đợt tăng lương lần này sẽ khó có khả năng kéo theo đợt tăng giá mạnh. TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) - cho rằng mặt bằng giá sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Theo chuyên gia này, sau ngày 1.7 lương cơ sở tăng không nhiều, chỉ 90.000 đồng so với trước, nên dự báo không tác động lớn đến CPI. Hiện sức cầu của nền kinh tế đang yếu nên việc tăng lương với mức tăng thấp hầu như không có tác động đáng kể đến chỉ số giá, chủ yếu là tác động giá dịch vụ công.

“Với sức cầu thấp, tư thương phải nhìn vào sức mua. Trong bối cảnh sức mua thấp, nếu tư thương “tát nước theo mưa” sẽ mất khách hàng; còn nếu sức cầu cao có thể tư thương sẽ vin vào đó để tăng giá. Trong bối cảnh hiện nay, tư thương sẽ phải cân nhắc nếu tăng giá sẽ mất khách, do đó khả năng tư thương tăng giá thấp vì sức cầu của nền kinh tế đang yếu” - ông Đức Anh cho biết.

Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: “Việc tăng lương cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc tăng lương cơ bản đã kìm lại khá lâu nên cũng đã đến lúc tăng lên. Trước khi tăng, tôi nghĩ các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ. Yếu tố quan trọng để tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI là vấn đề cung-cầu. Còn yếu tố tâm lý không ảnh hưởng nhiều, vì vậy dù các bà tiểu thương có lợi dụng thông tin tăng lương cơ bản để hét giá thịt lợn lên bao nhiêu thì cũng không bán được hàng. Thậm chí việc tăng lương cơ bản được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy cho tăng trưởng”.

Mức tăng lương cơ sở từ 2010 đến nay.

Gánh nặng lên ngân sách thế nào?

Tại một hội thảo tiền lương do Bộ Nội vụ tổ chức năm ngoái, ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đưa ra con số thống kê, nếu như năm 2001, tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp là hơn 5,1 triệu người thì tổng quỹ ngân sách đã chi hơn 26.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, tới năm 2015, với 6,5 triệu người thì mức tổng chi đã tăng lên tới 295.000 tỉ đồng.

Về nguồn lương để trả sau đợt này, Quyết định 2309/QĐ-TTg về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã chỉ rõ:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2017 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 còn dư chuyển sang (nếu có).

Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2017 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính - cho biết, việc điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1.7 nằm trong kế hoạch dự toán ngân sách của năm 2017 đã được Quốc hội thông qua. Dù việc điều chỉnh lương ít nhiều làm tăng chi thường xuyên so với năm 2016 nhưng không ảnh hưởng tới dự toán ngân sách chung của cả năm.

Tiền lương và chất lượng công chức có tương xứng? Vấn đề này, nhiều chuyên gia đã đánh giá: “Về danh nghĩa, tiền lương công chức, viên chức rõ ràng là có tăng và tăng mạnh. Nhưng bản chất của việc tăng lương này không giải quyết triệt để bài toán tiền lương hiện nay. Nguyên do chính có thể thấy là bộ máy của chúng ta ngày càng phình to, ngân sách oằn mình cũng không thể đáp ứng được nhu cầu sống của cán bộ, công chức. Đây là lý do vì sao, nhiều cán bộ công chức không sống được bằng lương mà phải tìm kiếm “lậu”, dẫn đến những thói hư, tật xấu, làm méo mó hình ảnh công bộc.

Đó là chưa kể một bộ phận cán bộ, công chức trở nên giàu có từ vị trí công tác của mình và từ nguồn thu nhập không minh bạch nên không quan tâm nhiều đến tiền lương”. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ công chức, viên chức có “lậu” nhiều hơn lương.

Hoặc tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” vì tiền lương không còn là động lực nên hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, không gắn nhiều với cải cách hành chính. Chất lượng đội ngũ cán bộ không được nâng cao mà còn có chiều hướng giảm sút. Tình trạng cán bộ gây phiền hà cho dân, gây lãng phí ngân sách còn khá phổ biến. Thêm vào đó, chế độ nâng lương chủ yếu vẫn tính theo thâm niên nên chưa khuyến khích được người lao động; không phát huy năng lực sáng tạo, không giữ chân được người tài.

Làm thế nào để trả đúng, trả đủ? Việc tăng lương là cần thiết, thậm chí phải tăng mạnh. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIV - cho rằng: “Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cũng như phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương...”.

Trong khi đó, không ít các chuyên gia đưa ra giải pháp là cần trả lương cho cán bộ công chức theo vị trí việc làm, theo năng lực và theo kết quả thực hiện công việc, trả theo thị trường. Đặc biệt, cần dựa trên mức độ hoàn thành công việc để quyết định mức tăng lương phù hợp cho từng CBCC. Để làm được việc này, việc xây dựng một bộ quy chuẩn đánh giá kết quả làm việc của từng chức danh, vị trí việc làm là cần thiết và cấp bách.

Vì thế để mức tăng lương thực sự tác động vào đời sống công chức cần phải có nhiều giải pháp để làm sao người lao động được trả đúng, trả đủ, xứng đáng với công sức lao động của mình.

Nhóm PV
Theo Lao Động

Từ khóa: