Theo CIEM, có 5 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sự kém thu hút của các DNNN cổ phần hoá đối với các cổ đông chiến lược.
Chiều ngày 30/10/2017, CIEM tổ chức hội thảo “Nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hoá DNNN” được sự hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) đã công bố kết quả nghiên cứu và nhận được nhiều ý kiến và phản hồi từ các đại biểu tham gia. Theo đó, nội dung về các nguyên nhân dẫn đến các DNNN cổ phần hoá kém hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư chiến lược đã được nêu ra và thảo luận.
Ảnh: Quỳnh Trang
Nhóm nguyên nhân thứ nhất chính là sự khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Có tới 54 ngành, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia nằm trong danh mục điều kiện đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài theo Hiệp định đầu tư ASEAN.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 60/2015-NĐCP, cổ đông nước ngoài không được phép sở hữu quá 49% tại 113 ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có khoảng 113 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhà đầu tư ngoại, bao gồm nhiều nhóm ngành tập trung nhiều DNNN: sản xuất hàng hoá, dịch vụ vận tải, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp.
Theo bao cáo, các quy định khá thận trọng đối với nhà đầu tư ngoại nhằm mục đích tạo hàng rào bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ trong nước, nhưng lại gây ra những tác động tiêu cực.
Ngoài việc tạo ra bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh khi phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài, các quy định này cũng làm giảm động cơ đầu tư chiến lược vào các DNNN vì không đảm bảo được quyền điều hành, quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ ra một khoản đầu tư lớn nhưng lại không có quyền chi phối, điều hành doanh nghiệp theo chiến lược của mình. Điều này gây ra tâm lý lo ngại, e dè của nhà đầu tư nước ngoài vì họ có thể bị cổ đông đa số (nhà nước) chèn ép dẫn đến thiệt thòi về lợi ích.
Thêm vào đó, giới hạn tỷ lệ sở hữu không tạo động lực cho cổ đông chiến lược thực hiện các nghĩa vụ, cam kết trong hợp đồng.
Thứ hai, định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu bất hợp lí là một cản trở lớn đối với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược.
Cách thức định giá doanh nghiệp ở Việt Nam chưa phù hợp với các phương pháp, chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, nước ta chỉ mới cho phép áp dụng 2 trên tổng 5 phương pháp phổ biến theo thông lệ quốc tế để xác định giá trị doanh nghiệp: phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Các quy định pháp luật về định giá doanh nghiệp chưa hướng dẫn chi tiết được các vấn đề liên quan đến giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế kinh doanh.
Về việc xác định giá bán cổ phần, nhà đầu tư còn lo ngại về việc giá lần đầu phát hành ra công chúng có thể bị đẩy lên cao và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không phản ánh được mức giá thị trường. Chỉ có một lượng nhỏ cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, vì vậy giá niêm yết không thể đại diện được cho giá trị thị trường của số lượng lớn cổ phần chưa được đăng ký giao dịch.
Thứ ba, cổ đông chiến lược ngại đầu tư vào DNNN ít có cơ hội sinh lời, rủi ro tài chính và gánh nặng khá cao đi kèm bất cập trong quản trị doanh nghiệp.
Tỷ suất lợi nhuận của toàn bộ DNNN đạt 15-17%/năm, là một tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, lợi nhuận của DNNN chủ yếu rơi vào nhóm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100%. Trong năm 2014, riêng lợi nhuận của PVN và Viettel đã chiếm tới 72,4% tổng lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất. Vậy nên cơ hội sinh lời không cao là điều kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Lợi nhuận của DNNN chủ yếu rơi vào nhóm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100%.
Rủi ro tài chính và gánh nặng nợ từ các DNNN cũng là điều mà các nhà đầu tư e ngại. Hiệu quả sử dụng vốn thấp và các dự án đầu tư kém hiệu quả đã dẫn tới tình trạng nhiều DNNN thua lỗ, nợ động kéo dài.
Thêm vào đó, các bất cập trong quản trị doanh nghiệp và bộ máy nhân sự thiếu năng lực và tính chủ động làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Nhóm nguyên nhân thứ tư liên quan đến tính thiếu công khai, minh bạch thông tin.
Đối với tình hình các DNNN chưa cổ phần hoá. Theo báo cáo đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ về việc doanh nghiệp công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, chỉ có 241 doanh nghiệp (chiếm 38,8%) trên tổng số 620 doanh nghiệp công bố theo quy định, không có DNNN nào công bố đủ 9 loại báo cáo thông tin cho chủ sở hữu Nhà nước.
Với các DNNN đang cổ phần hoá, ít có doanh nghiệp thực hiện thẩm định chi tiết để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Tiêu chí lựa chọn không minh bạch và thiếu hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Anh.
Với các DNNN đã cổ phần hoá, việc công khai minh bạch thông tin cũng thường chậm, bị trì hoãn hoặc không đảm bảo chất lượng.
Nhóm nguyên nhân thứ năm là quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.
Quy trình cổ phần hoá DNNN gắn với cổ đông chiến lược khá phức tạp, nhiều thủ tục và nhiều lần trình phê duyệt qua các cấp thẩm quyền. Tuy quy trình phức tạp nhưng do thiếu sự hỗ trợ, tư vấn nên DN phải tự tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược bằng nội lực. Hơn nữa, phương thức đấu giá có quy định không hợp lí về thời gian: thời gian 20 ngày để chốt giá bán và số lượng cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là quá ngắn.
"Tiêu chi cho cổ đông chiến lược như những chiếc áo kích cỡ khác nhau"
Bên lề hội thảo, các chuyên gia đã tích cực trình bày ý kiến và phản hồi về vấn đề này.
Theo Ông Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, các tiêu chí đề ra cho cổ đông chiến lược cứng nhắc cũng là một nguyên nhân cản trở họ. Qua đó, ông cho rằng các tiêu chí đề ra đối với cổ đông chiến lược cần áp dụng linh hoạt đối với mỗi loại hình doanh nghiệp nhất định. Việc đặt ra tiêu chí cho cổ đông giống như việc chọn những chiếc áo kích cỡ khác nhau, chứ không phải là may một loại đồng phục nhất định cho tất cả mọi đối tượng.
Ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng việc tiến hành đồng thời cổ phần hoá và tìm kiếm cổ đông chiến lược cũng là quá sức đối với doanh nghiệp.
Các chuyên gia có mặt đều đưa ra ý kiến và đồng tình với nhóm 5 nguyên nhân giải thích lí do cổ đông chiến lược e ngại DNNN cổ phần. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhất trí rằng tiêu chí áp dụng cho các cổ đông chiến lược quá cứng nhắc đối với từng loại hình doanh nghiệp, cũng là một nguyên nhân cản trợ việc các cổ đông ra quyết định đầu tư.
Quỳnh Trang
Theo KTTD, Vietnambiz