Sự kiện hot
8 năm trước

5 ứng dụng thực tế ảo đem đến cuộc cách mạng trong y học

Giảm đau mạnh hơn morphine, hồi phục sau đột quỵ là hai trong nhiều ứng dụng của thực tế ảo hứa hẹn sẽ đem đến cuộc cách mạng trong ngành y học.

Không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, công nghệ thực tế ảo ngày càng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế.

1. Giảm đau trong phẫu thuật

VR đem lại hiệu quả cao trong việc giảm đau khi phẫu thuật.

Đây là chứng cứ khoa học rõ ràng của thực tế ảo (VR) trong việc giảm cơn đau. Những bộ phận của não bộ liên kết với cơn đau bao gồm vùng vỏ não chi phối cảm giác xúc giác và thùy não. Những vùng này ít hoạt động hơn khi bệnh nhân sử dụng thực tế ảo. Nhờ đó công nghệ sẽ giúp người bệnh vượt qua những quá trình điều trị mà thông thường rất đau.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra lợi ích của VR đối với người tàn tật. Nhóm người này thường phải trải qua những cơn đau dữ dội tại bộ phận bị thiếu và thuốc giảm đau loại mạnh như codeine, morphine theo cách truyền thống lại không có tác dụng. Với liệu pháp có tên "gương ảo", sử dụng thiết bị VR để mô phỏng bộ phận bị thiếu trên cơ thể đem lại kết quả tốt cho người tàn tật khi đối mặt với nỗi đau này.

2. Vật lý trị liệu

Người bệnh sử dụng đi bộ thật trong một căn phòng ảo.

VR có khả năng theo dõi cử động của bộ phận trên cơ thể, cho phép người bệnh sử dụng những vận động đó trong trò trơi thực tế ảo. Ví dụ như họ phải nâng tay qua đầu để bắt bóng. Tập luyện trong một trò chơi VR mang tính giải trí cao hơn so với phòng tập. Chính điều này tiếp thêm động lực cho những bệnh nhân trải qua quá trình vật lý trị liệu.

Các bác sĩ cũng sử dụng công nghệ này với những bệnh nhân lo sợ việc đi lại sau chấn thương. Họ sẽ điều chỉnh môi trường ảo để bệnh nhân cảm thấy họ đi chậm hơn thực tế. Theo một cách tự nhiên, người tập luyện có thể đi nhanh hơn, quên đi nỗi đau và sợ hãi.

3. Vượt qua nỗi sợ và ám ảnh

Vượt qua nỗi sợ với công nghệ thực tế ảo.

Đây là một trong những ứng dụng đáng kể nhất của VR trong điều trị. Nỗi sợ và ám ảnh thường được xử lý bằng liệu pháp có tên "Tiếp xúc theo mức độ". Người bệnh sử dụng thực tế ảo sẽ đối mặt với nỗi sợ một cách tăng dần, từ đó tiến tới làm quen và vượt qua nỗi cảm giác đó. Ứng dụng này rất phổ biến trong việc điều trị hội chứng sợ độ cao, sợ nhện và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

4. Tập luyện sau đột quỵ

Người đột quỵ tập làm quen với những thao tác hàng ngày trên máy.

Những người bệnh bị chấn thương do đột quỵ thường gặp khó khăn với sinh hoạt hàng ngày như mua sắm hay làm việc nhà. Công nghệ VR cho phép người dùng tương tác trong môi trường ảo, luyện tập và tăng dần mức độ linh hoạt, phục hồi chức năng nhận thức.

Công nghệ này cũng được các bác sĩ sử dụng như một công cụ đánh giá. Người bệnh được quan sát khi thực hiện những hoạt động trong môi trường ảo để phát hiện vùng bị mất trí nhớ, hỗ trợ điều trị.

5. Huấn luyện phẫu thuật cho bác sĩ và y tá

Một bác sĩ đang phẫu thuật "ảo" qua VR.

VR không chỉ dành riêng cho bệnh nhân mà còn cho thấy tác dụng đối với y bác sĩ. Thông thường việc huấn luyện rất tốn thời gian và chi phí. Thực tế ảo cho phép mọi việc diễn ra đơn giản, tiết kiệm trong giải phẫu, cấy ghép và kiểm soát nhiễm trùng.

Hòa nhập vào những mô phỏng thực tế là cách luyện tập hiệu quả hơn nhiều so với xem video hay quan sát chuyên gia. Với thiết bị VR giá rẻ, dễ sử dụng và có thể lặp đi lặp lại, chúng ta đang sở hữu công cụ giáo dục tốt hơn bao giờ hết.

An Tech
Theo Vietnammoi

Từ khóa: