Khi ra đời năm 1967, máy rút tiền tự động ATM được coi là một phát minh đột phá đối với thế giới.
Diễn viên Reg Varney trở thành người đầu tiên sử dụng máy ATM tại Enfield vào năm 1967
Năm 1967, khi các ngân hàng đóng cửa suốt cuối tuần, từ mong muốn cần tiền mặt để chi trả, John Shepherd-Barron đã tạo ra chiếc máy giúp mọi người có thể rút tiền mặt từ ngân hàng vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Khi máy ATM đầu tiên ra đời, nó được coi là một đột phá. Sau khi ký hợp đồng với John Shepherd-Barron, Barclays giới thiệu chiếc máy ATM đầu tiên tại Enfield, London và diễn viên truyền hình Reg Varney là khách hàng đầu tiên.
"Đây là một thời kỳ rất khác. Việc có thể rút tiền 24/7 là một cuộc cách mạng khá lớn. Đó cũng là lần đầu tiên mọi người được biết đến tự động hóa và lần đầu tiên mọi người nhận thức được tự phục vụ", James Shepherd-Barron, con trai của John, nói.
Dù là quê hương của máy ATM, Anh đã tụt lại phía sau trên con đường phát triển chúng. Ở những nước khác, ATM được bổ sung thêm nhiều chức năng và tăng cường bảo mật, giúp các máy rút tiền mặt giữ vững vị trí hàng đầu trong đổi mới thanh toán.
Ví dụ, bạn có thể mua vé bóng đá ở tại Tây Ban Nha hay mua tem ở Mỹ. Từ 10 năm trước, Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp an ninh sinh trắc học như quét vân tay ở các máy ATM để phòng giả mạo. Tại Mỹ, Bank of America đã triển khai các máy ATM cho phép khách hàng trò chuyện qua video với nhân viên ngân hàng.
Trước làn sóng các ngân hàng ồ ạt đóng cửa chi nhánh ở Anh, đây được coi là cơ hội để máy ATM tận dụng lợi thế. Trong vòng hai năm qua, các ngân hàng lớn nhất đã đóng cửa khoảng 1.000 chi nhánh.
Ian Gausden, giám đốc Công ty công nghệ xử lý thanh toán Vocalink, cho rằng với việc đóng cửa các chi nhánh, ngân hàng phải dựa vào mạng lưới ATM như một kênh điều phối dịch vụ. Vì vậy, các nghiệp vụ của chi nhánh ngân hàng được thực hiện 20 năm trước, giờ có thể thực hiện trên máy tính, điện thoại đi động hay máy ATM.
Máy ATM 'Ski-Thru', cung cấp ván trượt tuyết và găng tay, trên sườn núi ở Whistler, Canada.
50 năm sau khi phát minh này ra đời, tương lai của máy ATM đang là vấn đề được chú ý. Với chi phí thiết kế và lắp đặt đắt đỏ, máy ATM đang chịu áp lực lớn từ sự trỗi dậy của các phương thức thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động, như các loại thẻ không tiếp xúc (contactless card).
Bằng cách bổ sung nguồn tiền từ khách hàng gửi tiền, các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ ATM không cần dựa vào các loại xe tải chở tiền mặt như trước.
Theo báo cáo mới của hiệp hội thương mại Payments UK, thanh toán bằng tiền mặt sẽ "bị soán ngôi" phương thức thanh toán phổ biến nhất ở Anh và có nguy cơ bị thay thế bởi các hình thức thanh toán khác vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, Payments UK cho biết trong 10 năm tới, thanh toán bằng tiền mặt vẫn sẽ chiếm khoảng 20%.
Thu Huyền
Theo ĐSPL, Vietnammoi