Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận doanh thu hơn 44.000 tỷ

Trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.

Theo Báo cáo tài chính quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 của Vietnam Airlines , doanh thu quý II đạt 20.565 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ doanh thu vận tải hàng không tăng gần 23% lên 16.173 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế là 1.295 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.551 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của công ty mẹ là 1.362 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 2.555 tỷ đồng). Như vậy, Vietnam Airlines đã lỗ ròng 14 quý liên tiếp, kể từ quý I/2020.

Vietnam Airlines lỗ năm thứ 3 liên tiếp, còn cơ hội niêm yết trên HoSE? -  Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận doanh thu hơn 44.000 tỷ

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.059 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn âm 1.331 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ sau thuế 5.237 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lỗ ròng cũng thu hẹp từ mức 5.168 tỷ đồng của quý II/2022 xuống 1.465 tỷ đồng trong quý này.

Như vậy, sau 14 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines lỗ lũy kế tới 35.667 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng.

Theo lý giải của Vietnam Airlines, trong thời gian qua, do thị trường vận tải từng bước phục hồi và Vietnam Airlines tiếp tục chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ... giúp mức lỗ quý II/2023 giảm so với quý II/2022.

Tuy nhiên, do tính mùa vụ, quý II là quý thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho nên kết quả sản xuất kinh doanh của công ty kém hiệu quả hơn so với quý I.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất 6 tháng năm 2023 chỉ đạt khoảng 6,4% doanh thu.

Vietnam Airlines cho biết đang nỗ lực cùng các công ty kiểm toán độc lập khẩn trương hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tổng công ty dự kiến công bố báo cáo này và báo cáo soát xét bán niên 2023 vào cuối tháng 8, muộn nhất trong tháng 9.

Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết?

Ngày 11/9, Vietnam Airlines và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết động thái này nằm trong chiến lược phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Vietnam Airlines đảm bảo đạt được mục tiêu.

Ông Hòa cũng khẳng định Vietnam Airlines đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.

Vietnam Airlines chính thức được thành lập vào tháng 4/1993, với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô Nhà nước (khi đó có tên gọi là Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam). Ngày 27/5/1995, Tổng công ty Hàng không Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 328/TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp trong ngành Hàng không Việt Nam lấy Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam làm nòng cốt. Theo Quyết định số 952/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/06/2010, Công ty mẹ-TCT Hàng không Việt Nam đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV từ ngày 30/06/2010. Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt lớn của Vietnam Airlines khi chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Trong 25 năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm luôn đạt mức hai con số, Vietnam Airlines đã không ngừng lớn mạnh và vươn lên trở thành một hãng hàng không có uy tín trong khu vực nhờ thế mạnh về đội bay hiện đại, mạng đường bay rộng khắp và lịch nối chuyến thuận lợi, đặc biệt là tại Đông Dương. Khởi đầu với những chuyến bay nội địa không thường lệ, ngày nay Vietnam Airlines đã khai thác đến 21 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước và 28 điểm đến quốc tế tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã đạt được chứng chỉ uy tín về an toàn khai thác của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) khẳng định chất lượng dịch vụ mang tiêu chuẩn quốc tế của mình. Năm 2010, Vietnam Airlines chính thức trở thành thành viên thứ 10 của Liên minh hàng không toàn cầu-SkyTeam. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của hãng trong tiến trình hội nhập thành công vào thị trường quốc tế. Sau khi gia nhập liên minh, mạng đường bay của Vietnam Airlines được mở rộng lên tới hơn 1000 điểm đến trên toàn cầu.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: