Sau 6 tháng đầu năm 2017, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng đang có nhiều chuyển biến. 9/16 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm, 5 ngân hàng tăng và 2 ngân hàng giữ nguyên so với đầu năm. Trong đó, top 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là BacABank, TPBank và Kienlongbank.
Nợ xấu ngân hàng có giảm sau 6 tháng đầu năm? (Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê của VietnamBiz, tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2017 có biến động trái chiều. Tổng nợ xấu của 14 ngân hàng thống kế từ báo cáo tài chính quý II/2017 là hơn 63,46 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2016. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 3.284 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý II của nhóm các ngân hàng khảo sát giảm từ 1,97% vào cuối năm 2016 xuống 1,94%.
Lộ diện top 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất
BacABank, TPBank và Kienlongbank là 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và đều dưới 1%.
Nợ xấu các ngân hàng tính đến 30/6/2017. Đvt: tỷ đồng. Ghi chú: (*) số liệu được lấy từ nguồn công bố của các ngân hàng, chưa công bố BCTC quý II/2017 (**) tỷ lệ nợ xấu được tính dựa trên số liệu của 14 ngân hàng đã công bố BCTC quý II/2017
Cụ thể, BacABank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất với 0,79% và giảm so với con số cuối năm 2016 là 0,81%, ngân hàng này cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng gần như thấp nhất hệ thống với 5,6%. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank tăng lên 0,88%, gấp rưỡi so với cuối năm 2016 và đánh mất vị trí dẫn đầu.
Sacombank mặc dù đã nỗ lực xử lý nợ trong 6 tháng đầu năm nhưng tỷ lệ nợ xấu chỉ giảm nhẹ từ 6,82% xuống 6,27%, dẫn đầu những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Sacombank cũng là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng quy định của NHNN sau khi Eximbank đã nỗ lực điều chỉnh từ 3,72% xuống 2,78% trong nửa đầu năm 2017.
Tăng trưởng tín dụng có đồng nghĩa với tỷ lệ nợ xấu tăng cao?
Trong 16 ngân hàng khảo sát chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng là TPBank, ACB, Techcombank, NCB và VietinBank. Hai ngân hàng Vietcombank và VIB giữ nguyên tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm và có tới 9 ngân hàng ghi nhận giảm.
Tỷ lệ nợ xấu và tăng trưởng tín dụng các ngân hàng (Ảnh: Diệp Bình tổng hợp)
Có thể nhận thấy, một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khá cao trong 6 tháng đầu năm như Saigonbank (18%), VIB (15,5%), Kienlongbank (15,8%), hay MBBank (14,6%) nhưng tỷ lệ nợ xấu lại giảm hoặc không tăng so với đầu năm. Hay như NCB, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức trung bình 8,7% nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng lên gấp rưỡi.
Số liệu trên cho thấy việc tăng trưởng tín dụng cao không đồng nghĩa với việc tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Trao đổi với chúng tôi về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng không phải là cứ cho vay nhiều thì sẽ phát sinh nợ xấu mà vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng quản lý khoản vay như thế nào.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV.
"Tín dụng phát triển quá nóng là ở mức khoảng 20 - 40% như trước đây thì có thể sẽ tiềm ẩn nợ xấu bởi vì lúc bấy giờ luồng vốn tín dụng sẽ bị phân bổ vào những chỗ kém hiệu quả. Khi người ta chạy theo số lượng thì sẽ xao lãng về chất lượng" - TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Theo ông, về mặt lý thuyết và thực tiễn cũng không ngân hàng nào muốn để quá nóng và quá cao, bởi vì có thể khoản vay không phát sinh nợ xấu ngay nhưng lại tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai do dòng vốn bị chảy vào những chỗ rủi ro, kém hiệu quả. Đối với những ngân hàng quản lý tốt nhưng tăng trưởng trên 20%/năm cũng nên đề phòng rủi ro trong tương lai.
Chuyên gia cũng cho biết về ba yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.
Thứ nhất là yếu tố khách quan đến từ nền kinh tế Việt Nam và thế giới như khủng hoảng tài chính, suy thoái nền kinh tế, chiến tranh...
Thứ hai cũng là yếu tố khách quan đến từ phía người đi vay. Đó là sử dụng vốn không đúng mục đích, không có phương án kinh doanh tốt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Thứ ba là những vấn đề của ngân hàng từ đánh giá khoản vay, thẩm định và kiểm tra sau vay.
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz