Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, có 7 điểm sáng nổi bật như sau:
Thứ nhất, Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành. Chính phủ, Quốc hội đã ban hành một loạt các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhiều lĩnh vực như y tế; thị trường vốn, đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, visa; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh. Các chính sách này đã góp phần tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Thứ hai, Lĩnh vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, là động lực chính của nền kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ tăng 6,32% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,66%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, các hoạt động dịch vụ, tiêu dùng tiếp tục phát triển ổn định.
Thứ ba, Lạm phát cơ bản ổn định dù còn chịu áp lực gia tăng. CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,49% so với cùng kỳ.
Thứ tư, Thu hút vốn FDI tăng trưởng khá, giải ngân FDI tăng nhẹ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn FDI đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ năm, Giải ngân đầu tư công tăng tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ sáu, Các cân đối lớn được đảm bảo, lãi suất giảm dần, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát. Lãi suất huy động giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, giảm 2-2,5% so với đầu năm, tương đương mức trước dịch COVID-19; lãi suất cho vay giảm từ 1-2% so với đầu năm; tỷ giá tăng nhưng trong tầm kiểm soát.
Thứ bảy, Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Hoạt động ngoại giao, hội nhập quốc tế tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao các nước. Việt Nam và các đối tác tiếp tục thắt chặt và nâng tầm quan hệ, tăng cường hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Dựa trên các điểm sáng trên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 5-5,2%, lạm phát bình quân tăng khoảng 3-3,5%.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ, Quốc hội cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống