Chỉ vì quên rửa tay sau khi đi vệ sinh, 16% điện thoại di động (ĐTDĐ) có dấu vết phân người, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho hay.
Chỉ vì quên rửa tay sau khi đi vệ sinh, 16% điện thoại di động (ĐTDĐ) có dấu vết phân người, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho hay.
Thói quen không rửa tay thường xuyên
khiến chiếc điện thoại trở thành ổ chứa vi khuẩn. Ảnh minh họa.
Thông tin trên tờ Rian cho hay, các chuyên gia Trường Vệ sinh học và bệnh nhiệt đới London, phối hợp với các đồng nghiệp thuộc Đại học hoàng gia Mary (Anh), tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu xem người Anh trong lời nói và trong thực tế đã áp dụng vệ sinh học ra sao, thông qua các vật dụng cụ thể. Họ đã chọn chiếc điện thoại di động mà “những con người hiện đại” coi là vật bất ly thân.
Hành động giữ vệ sinh đơn giản nhất là rửa tay. 92% số người được hỏi trả lời họ rửa tay bằng xà phòng bất cứ lúc nào có thể.
Vâng, vậy là quá tốt. Vậy thì ngay bây giờ xin các vị cho xin một chút nước rửa tay của quý vị, cùng với chiếc ĐTDĐ để xem chúng sạch đến thế nào qua số vi khuẩn hiện diện.
Kết quả là 82% trường hợp nước rửa tay và 92% trường hợp ĐTDĐ đầy vi khuẩn các loại cư trú. Trực khuẩn đường ruột (Escherichia coli) chẳng hạn thì sao? Chúng có mặt trên 16% các chiếc ĐTDĐ mỹ miều, và trên 16% bàn tay nõn nà hay thô ráp.
Vậy chúng từ đâu ra? Xin thưa, từ phân người và chúng chính là thủ phạm có thể gây ra các bệnh đường ruột nguy hiểm.
Trong số các trực khuẩn đường ruột Escherichia coli, người ta gặp cả loại mà tháng sáu vừa qua bùng phát ở châu Âu, bắt đầu từ Đức, lan sang 18 nước, khiến các quốc gia văn minh này thất điên bát đảo.
Các tác giả của công trình nghiên cứu đã thu thập 390 mẫu nước rửa từ tay người và ĐTDĐ ở 12 thành phố của Anh rồi mang phân tích trong phòng thí nghiệm về số lượng và chủng loại vi khuẩn cũng như nêu các câu hỏi liên quan đến thói quen vệ sinh của người dân.
Tỷ lệ các ĐTDĐ bị nhiễm bẩn cao nhất là ở thành phố Birmingham (41%), còn ở trung tâm London, 28% người dân thủ đô bị nhiễm bẩn vi khuẩn. Nói chung, mức độ tay và ĐTDĐ bị nhiễm bẩn tăng dần theo chiều từ nam lên bắc, mức độ nhiễm bẩn ở thành phố Glasglow cao gấp 9 lần so với tại Brighton.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu là Ron Cutler, trường Đại học Hoàng gia Mary cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ rằng, mặc dù mức độ nhiễm bẩn có khác nhau chút ít giữa nơi này nơi nọ, nhưng nói chung hiện tượng bàn tay và ĐTDĐ bị nhiễm E. coli là tình trạng chung của cả nước. Hỏi thì ai cũng nói rằng mình rửa tay thường xuyên, nhưng khoa học đã nói lên rằng không phải vậy”.
Vi khuẩn từ phân người có thể sống sót trong vài giờ ở đâu đó trên cơ thể, nhất là ở nơi nhiệt độ cao và không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Chúng dễ dàng lan truyền qua tay nắm cửa ra vào, thực phẩm và ĐTDĐ.
Bảo Châu
Theo Vietnamnet