Mỗi năm Việt Nam có trên 94.000 ca tử vong do ung thư, gấp hơn 9 lần số người chết vì tai nạn giao thông.
Chia sẻ bên lề nghị quốc tế về kiểm soát ung thư mới diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, ung thư đang là vấn đề lớn của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.00 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Theo PGS Thuấn, nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do ung thư ở nước ta cao vì trên 70% người bệnh đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Trong khi với ung thư, phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao.
Giám đốc BV K Trần Văn Thuấn
Một số ung thư như gan, tỉ lệ khám và điều trị muộn lên tới 87,8%, ung thư phổi ở mức 84,3%, nên tỉ lệ chữa khỏi giảm đi nhiều.
Những năm qua, với sự kết hợp cùng lúc cả 4 hướng: phòng bệnh, phát hiện sớm, tăng cường chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ, tỉ lệ chữa khỏi ung thư tại Việt Nam có nhích lên nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 40%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (70-80%). Tỉ lệ chữa khỏi cao chủ yếu là các bệnh dễ phát hiện sớm như ung thư vú, cổ tử cung.
“Nếu chúng ta cũng phát hiện sớm bệnh thì tỉ lệ chữa khỏi sẽ ngang với họ”, Giám đốc BV K nhấn mạnh.
PGS Thuấn cho biết, hiện BHYT vẫn chưa chi trả cho sàng lọc, phát hiện sớm ung thư, đây cũng là hạn chế trong việc phát hiện sớm ung thư.
Do đó ông hy vọng trong thời gian tới, BHYT có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư phổ biến như: ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa…
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Tổng chi phí 6 loại ung thư phổ biến: Vú, gan, đại tràng, khoang miệng, cổ tử cung và dạ dày đã lên tới 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP năm 2012.
Cũng kết quả điều tra trong năm 2012 cho thấy, mỗi bệnh nhân ung thư phải chi 200 triệu đồng cho điều trị trực tiếp và gián tiếp. Khoảng 1/3 bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc sau 1 năm phát hiện bệnh.
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống ung thư và một số bệnh mãn tính giai đoạn 2015-2025. Trong đó, đặt mục tiêu 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, giảm 20% tỉ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh ung thư so với năm 2015. Bên cạnh đó, cũng cần giảm 30% tỉ lệ hút thuốc ở người trưởng thành, giảm 10% tỉ lệ uống rượu bia ở mức có hại…
Thuốc lá và rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ mắc ung thư. Trong đó nguyên nhân từ thuốc lá chiếm 30%, rượu bia là nguyên nhân gây ra 7 loại ung thư phổ biến.
Thúy Hạnh
Theo Vietnamnet