Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong hệ thống ngân hàng, âm 5% trong khi kế hoạch 2019 là tăng 17%.
ABBank tăng trưởng dư nợ cho vay âm 5%
Trong tháng 9, ABBank là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm không kèm điều kiện đặc biệt. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cung cấp kỳ hạn gửi tiết kiệm 13 tháng với lãi suất 8,3%/năm, chỉ xếp sau Bản Việt có lãi suất 8,4%/năm (lãi suất 12 tháng của Bản Việt chỉ ở mức 8%/năm).
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, tổng mức thu nhập ABBank tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước đạt mức 1.639 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của nhà băng lại giảm 7,5% chỉ ở mức 436,6 tỷ.
Nửa đầu năm 2019, ABBank là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong hệ thống, âm 5% trong khi kế hoạch 2019 là tăng 17%. Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng của đơn vị này cũng giảm 4% so với đầu năm, khi kế hoạch đề ra là tăng 28%. Việc giữ lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống có thể là động thái nhằm thu hút khách hàng gửi tiền của ABBank, cải thiện tình trạng tăng trưởng dư nợ cho vay.
Sau khi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP An Bình đã giảm từ hơn 525,6 tỷ đồng xuống còn gần 436,5 tỷ đồng (tương đương giảm 89 tỷ đồng). Nguyên nhân là do đề xuất từ đơn vị kiểm toán, ghi nhận thêm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của 6 tháng 2019 từ 25,2 tỷ đồng trước kiểm toán lên gần 114,5 tỷ đồng.
Hiện tại, Malayan Banking Berhad (Maybank) là cổ đông lớn nhất sở hữu 20% ABBank. CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội sở hữu 12.99% ABBank, International Finance Corporation (World Bank) sở hữu 10% ABBank, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 8.67% ABBank, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT sở hữu 3,39% ABBank. Riêng bà Tạ Thị Hồng Hà sở hữu 2% và các cổ đông khác nắm giữ 42,95% ABBank.
Sau ABBank, ngân hàng Bắc Á và ngân hàng OCB có lãi suất huy động ở mức 8,1%/năm. Trong đó, ngân hàng Bắc Á nâng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn trên 12 tháng thêm 2 điểm phần trăm từ 7,9%/năm. Nhà băng này cũng nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 7,5% và kỳ hạn 9 tháng lên 7,9%/năm, trong khi các kỳ hạn 1-3 tháng giữ ở 5,5% và không kỳ hạn là 1%/năm. Nhìn chung trong hệ thống, Bắc Á vẫn là ngân hàng có mặt bằng chung lãi suất kỳ hạn ngắn cao nhất.
Lãi suất cho vay khó giảm
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt việc huy động vốn khi có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhanh ở một số kỳ hạn và phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.
Tuy nhiên, sau khi ngân hàng nhà nước phát đi cảnh báo, lãi suất huy động trên thị trường vẫn ở mức cao ngất ngưỡng. Các chuyên gia kinh tế nhận định đang xảy ra cuộc đua về lãi suất huy động và cạnh tranh không lành mạnh giữa một số ngân hàng.
Nguyên nhân là do các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh trong các tháng cuối năm. Điều này có nguy cơ đẩy mặt bằng lãi suất lên mức tương đối cao, khiến cho việc giảm lãi suất hoặc ổn định lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Hiện tại, lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến trong khoảng 5,5%-6%/năm. Đối với các ngành nghề kinh doanh khác đang chịu mức lãi suất cho vay tối thiểu cao gấp đôi so với mức lãi suất ưu tiên. Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay hiện tại quá cao so với các nước trong khu vực, gây khó cho người kinh doanh.
Hồng Nhi
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng