"Số nợ xấu này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, vì kết quả kinh doanh giảm đi do quỹ dự phòng tăng lên”, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu cho biết.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2014 mà Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế sụt giảm 21,1% so với quý II/2013, đạt mức 323,26 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ACB lãi 573,3 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 80% cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến mức lãi của ACB sụt giảm khá mạnh chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Quý II, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tăng gấp 6,2 lần so với quý II/2013 lên mức 354,1 tỷ đồng. Sáu tháng, con số này là 578,7 tỷ đồng, tăng 123,5% cùng kỳ.
Theo đó, tổng nợ xấu của ACB (bao gồm nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5) tại thời điểm cuối quý II ở mức 4.037,3 tỷ đồng. Trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 7,3% thì nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 50,9%. Đáng lo ngại là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng tới 23,3% lên 2.616,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Nói về con số nợ xấu có khả năng mất vốn lên 2.616,4 tỷ đồng chiếm tỉ lệ 64,8% tổng nợ xấu ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng: Số nợ xấu này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, vì kết quả kinh doanh giảm đi do quỹ dự phòng tăng lên. Tức là nợ 6 tháng tăng lên, kéo theo quỹ dự tăng lên thì lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm đi.
Theo đó, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu cho biết: "Chúng tôi vẫn đang tiến hành tất cả các biện pháp để giảm nợ xấu như tích cực thu hồi, tăng cường tăng trưởng tín dụng, xử lý các khoản nợ xấu bằng cách bán tài sản... Khoản nợ khó thu hồi sẽ nằm trong quỹ dự phòng để bù đắp rủi ro và khi thu hồi được thì sẽ đưa vào khoản thu hồi được."
Được biết, trong quý III năm 2013, Ngân hàng ACB đã mạnh tay cắt giảm hơn 700 nhân sự khiến dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, tính tới ngày 30/9/2013, tổng số nhân viên chính thức của ACB chỉ còn là 9.005 người giảm 703 người, tương ứng 7,2% so với quý 2/2013 và giảm 739 người, tương ứng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm đó, ACB là một trong những ngân hàng “dẫn đầu” thị trường về cắt giảm nhân sự.
Tuy nhiên, đến cuối quý II năm 2014, Ngân hàng ACB hiện có 9.095 nhân viên (bao gồm cả nhân viên thuộc các công ty con), giảm 613 nhân sự so với 1 năm trước đó. Trong khi đó, so cùng kỳ năm 2013, ACB đã tăng chi phí cho nhân viên lên 844,17 tỷ đồng (tăng 6,9%).
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng: Nhân sự năm ngoái giảm là việc của năm ngoái, còn năm nay nhân sự giảm là việc của năm nay. Đặc biệt, hiện tại ngân hàng đang bắt đầu tuyển dụng nhân sự lại tùy theo tình hình phát triển của kinh tế.
Được biết, việc cắt giảm nhân sự này không nằm trong lộ trình tái cơ cấu của ACB, bởi theo ông Toại, sự biến động nhân sự này thể hiện quá trình chuyển dịch nguồn nhân sự, không gây ảnh hưởng đến cơ cấu của ACB.
Phạm Liễu
theo ĐSPL