Sự kiện hot
9 tháng trước

Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, ngay từ đầu năm 2024, Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Agribank giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn trong tháng 1/ 2024 | Tạp chí điện tử thương gia
Ngay từ đầu năm 2024 Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2024, Agribank tiếp tục điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank tiếp tục thông điệp mạnh mẽ chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, Saigonbank đã niêm yết biểu lãi suất mới, với lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 5,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, giảm 0,1 điểm % so với trước.

Đặc biệt, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại Saigonbank giảm mạnh từ 5,8%/năm xuống còn 5,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm sâu từ 5,4%/năm xuống còn 5,1%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn, gửi 6 tháng, lãi suất giảm 0,7 điểm % xuống còn 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 3%/năm.

Tương tự, ngay trước kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, Techcombank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn gửi 12 tháng trở lên chỉ còn 4,75 – 5%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất 5%/năm dành cho khách hàng Private gửi số tiền từ 3 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của Techcombank cũng đã điều chỉnh xuống mức 4,35-4,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 3,35-3,5%/năm. Tại VietinBank, biểu lãi suất huy động cũng điều chỉnh giảm 0,4-0,5%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tại ABBank, lãi suất kỳ hạn 13 tháng – 36 tháng giảm mạnh từ 4,4%/năm xuống còn 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng cũng giảm 0,4 điểm % xuống 3,6%/năm…

Vì sao người dân vẫn gửi tiền ngân hàng bất chấp lãi suất giảm?

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, 2023 là một năm rất khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ. Tính đến ngày 28/12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13%, đến nay tăng trưởng tín dụng tối thiểu ở mức 13,5%, dù chưa đạt chỉ tiêu cả năm là 14 - 15%, nhưng cũng đã tăng tốc trong những tuần cuối năm.

Năm 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi... tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. 

“Năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Theo ông Đào Minh Tú, năm 2024, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiề tệ (CSTT), phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. 

Khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: