TTCK đã có nhiều phiên tăng điểm dù kinh tế vẫn chưa xuất hiện triển vọng tích cực. Phải chăng nhiều “ông lớn” đang tìm cách đẩy lên để thoát hàng?
TTCK đã có nhiều phiên tăng điểm dù kinh tế vẫn chưa xuất hiện triển vọng tích cực. Phải chăng nhiều “ông lớn” đang tìm cách đẩy lên để thoát hàng?
Từ đầu năm đến nay, TTCK đã có nhiều phiên tăng điểm tích cực dù kinh tế vĩ mô vẫn chưa xuất hiện những triển vọng tích cực. Vậy đâu là lực đỡ của thị trường? Phải chăng “quả bom” mà nhiều “ông lớn” đang ôm đến thời điểm sắp kích nổ và không còn cách nào khác là phải tìm cách đẩy thị trường lên để thoát hàng.
Từ mùa hè năm ngoái, dư luận đã ồn ào về một lượng cổ phiếu khổng lồ mà các quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ bởi ước tính, trong năm 2010, các quỹ này đã mua vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Đó là thời TTCK còn “nửa xanh nửa đỏ”, các đại gia vẫn ấp ủ hy vọng “gầy sòng”. Song, khi mà phần lớn kỳ vọng đã bị tắt ngấm trong năm 2011, việc giải phóng lượng cổ phiếu này đã trở thành một thách thức rất lớn đối với các quỹ. Điều đơn giản là thị trường không chỉ bị tuột dốc về điểm số và mặt bằng giá cổ phiếu, mà một trong những huyết mạch lớn nhất của nó, tính thanh khoản, đã gần như bị tê liệt. Dĩ nhiên, trong không khí quá trầm lắng của TTCK vào nửa cuối năm 2011, tất cả những ai nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu đều khó có thể thoát hàng một cách nhanh chóng, dù đã hạ quyết tâm phải thoát hàng bằng mọi giá.
Cũng vào giữa năm ngoái, giá trị cổ phiếu nắm giữ ước tính của khối đầu tư nước ngoài đã lên đến khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy không có căn cứ xác thực của con số này nhưng những biểu hiện thiếu kềm chế của vài ba lãnh đạo quỹ nước ngoài cũng cho thấy tình cảnh nan giải đó.
Cũng trong thế “kẹp hàng” như khối đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã “lỡ” nắm giữ cổ phiếu quỹ cũng nằm mệt mỏi không kém. Thời điểm đầu năm 2011, lo ngại về một làn sóng thâu tóm DN trong nước khi giá cổ phiếu xuống thấp, một số công ty niêm yết đã chủ động mua vào cổ phiếu quỹ. Cùng trong trào lưu này, nhiều doanh nghiệp khác cũng âm thầm “vét hàng” với hy vọng giá cổ phiếu đã giảm về mức đáy. Theo một ước tính, cho đến nay, lượng cổ phiếu quỹ bị tồn đã lên tới 135 triệu đơn vị. Lúc thị trường khởi sắc, con số 135 triệu đơn vị cổ phiếu tồn quỹ trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giao dịch “xả hàng”. Nhưng đến cuối năm 2011, đó lại là một con số ẩn chứa đầy tai họa.
Nhưng chưa hết, quý IV/2011 là thời điểm mở màn của chiến dịch tái cấu trúc các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Đa số đối tượng bị tái cấu trúc lại thuộc diện đầu tư ngoài ngành, hay nói cách khác là đầu tư trái ngành kém hiệu quả. Có khá nhiều tên tuổi lớn được nêu ra như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, cùng hàng loạt doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác. Giá trị đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ của các “đại gia” nhà nước này ít nhất cũng phải vài chục ngàn tỷ đồng, chủ yếu nằm trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.
Bài toán quá khó đang đặt ra đối với những “đại gia” bị tồn cổ phiếu là làm sao có thể tiêu thụ được một khối lượng quá lớn cổ phiếu trong bối cảnh thanh khoản của thị trường được xem như một thứ thanh khoản “lâm sàng”.
Một giả thiết có thể đã và đang xảy ra là là các “ông lớn” cần phải bắt tay nhau để giải phóng lượng hàng tồn kho lâu ngày. Vì nếu không, thị trường sẽ tiếp tục trượt dốc với hoạt động thanh khoản có xu hướng OTC hóa. Khi đó, không những giá trị khối cổ phiếu nắm giữ sẽ bị giảm đến mức khó tưởng tượng, mà những “ông lớn” này không còn cơ may đẩy được gánh nặng đó đi. Có vẻ như, họ đang đứng giữa lằn ranh của nguy cơ không thể gượng dậy được nữa và tình thế đã đạt đến điểm “kích nổ” thị trường kích thích thanh khoản.
Còn nhớ, vào giữa năm 2011, lãnh đạo của một quỹ đầu tư nước ngoài đã bày to mong muốn, rằng Nhà nước cần có chính sách nới lỏng tín dụng đối với chứng khoán, để trong năm 2012, nhà đầu tư Việt Nam sẽ mua hết khối lượng cổ phiếu mà các quỹ nước ngoài bán ra. Ước vọng đó nghe thật ngây thơ, nhưng cũng rất thực tế, và không hẳn không… khả thi. Hãy chờ xem những đại gia đang nóng lòng trông chờ sự hồi phục của thị trường để thoát hàng có làm được điều kỳ diệu đó trong năm nay hay không!
Việt Thắng
Theo DTCK