Sự kiện hot
8 năm trước

Ai vi phạm bản quyền để VTVcab bị cắt sóng Champions League?

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm về việc Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) cho biết đối tác quốc tế của họ đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) vì vấn đề vi phạm bản quyền.


Vào ngày 27/8/2015, VTVcab từng công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trong 03 mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018. (Nguồn Vtv.vn)

Vậy là, sau câu chuyện bản quyền giải Ngoại hạng Anh của K+ trước đây, một lần nữa, vấn đề bản quyền truyền hình về bóng đá quốc tế tại Việt Nam lại nóng lên…

Hậu quả nghiêm trọng

Trong chương trình Thời sự của VTV vào tối 9/5, ông Hoàng Ngọc Huấn, Tổng Giám đốc VTVcab xin lỗi khán giả và cho hay, quy định của Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA là khi bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng thì phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ một đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào khác.

“Nếu như bị vi phạm thì đơn vị mua bản quyền chịu trách nhiệm cho tất cả các hành vi đó và sẽ bị cắt nếu như không bảo vệ được bản quyền tại khu vực mình đang phát sóng,” ông Huấn nói.

Ở một thông báo đưa ra trước đó, phía VTVcab cũng cho biết có nhiều đơn vị sở hữu các trang tin điện tử đã có những hành vi vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc hai giải bóng đá trên; các đơn vị truyền hình truyền dẫn trái phép chương trình UCL và UEL…

Đây là lý do mà VTVcab cho rằng, đơn vị cung cấp bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các chương trình UCL và UEL. Bởi lẽ, bảo vệ bản quyền UCL và UEL tại Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng để VTVcab được sở hữu bản quyền phát sóng các giải đấu hàng đầu thế giới này.

Phía VTVcab cho biết, việc này gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị này khi phải dừng phát sóng chương trình giải UCL và UEL đồng thời phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hành vi vi phạm bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL của nhiều đơn vị tại Việt Nam.

Tuy nhiên, “ đáng tiếc hơn cả là thiệt hại cho các khán giả truyền hình Việt Nam, khi từ bây giờ sẽ không được tiếp tục theo dõi các trận đấu trong các giải này nữa. Và rộng lớn hơn, đó là sự ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế,” thông cáo của VTVcab viết.

Ai vi phạm?

Để bảo vệ bản quyền trước “hành vi vi phạm bản quyền một cách trắng trợn,” phía VTVcab cũng cho biết đã thực hiện các hoạt động pháp lý nhằm ngăn chặn các hành vi truyền dẫn trái phép hoặc vi phạm bản quyền của các bên thứ ba đối với toàn bộ hoặc một phần tất cả các chương trình hoặc clip liên quan tới UCL và UEL.

Song, việc xâm phạm vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức...

Thực tế cho thấy, việc vi phạm bản quyền truyền hình trên mạng Internet không phải là vấn đề mới tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc VTVcab bị tước quyền phát sóng thực sự là một “cú đánh mạnh” với nhà đài và người hâm mộ túc cầu. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến VTVcab bị cắt sóng không chỉ như đơn vị này nói.

Theo lẽ thông thường, khi mua bản quyền phát sóng độc quyền giải đấu ở một vùng lãnh thổ (ví dụ như K+ độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh ở một số trường hợp), đơn vị mua bản quyền sẽ phản ứng trong trường hợp có đơn vị khác tiếp sóng, phát sóng trái phép để bảo vệ chính quyền lợi kinh doanh của chính mình chứ không phải bên bán cho nhà đài vì vậy mà cắt sóng.


Trận đấu tại vòng bán kết UCL 2017 giữa Juventus và Monaco diễn ra rạng sáng 10/5. (Nguồn: Daily Mail)

Trong trường hợp của K+, đơn vị này đã phải dùng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh trên Internet. Thế nhưng, thực tế thì nhiều người vẫn có thể xem được giải đấu này qua các đường link trên mạng. Đây là vi phạm bản quyền, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy có thông tin nào từ phía K+ cho biết của đối tác của họ đòi cắt sóng vì việc này.

Dĩ nhiên, cũng không ngoại trừ trường EPL “dễ tính” hơn UEFA!

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, các trận đấu Champions League thường được phát trên kênh VTV3, vốn là một kênh đang được phát sóng quảng bá rộng rãi toàn Việt Nam, được rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác tiếp sóng.

Bởi thế, cũng không ngoại trừ đây là một trong những nguyên nhân khiến VTVcab “gặp nạn” với vấn đề bản quyền với đối tác của mình khi để các đơn vị khác tiếp sóng VTV3...

Theo một số đơn vị tiếp sóng của VTVcab, để tiếp sóng các kênh truyền hình ngoài các kênh thiết yếu bắt buộc thì họ phải trực tiếp đàm phán với từng kênh với những điều khoản chặt chẽ.

Đơn cử kênh truyền hình FPT cũng tiếp sóng VTV3 và mặc nhiên họ có chương trình trực tiếp bóng đá trên kênh này. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay, họ đã ngưng phát với lời thông báo: "Do một số vấn đề phát sinh ngoài mong muốn trong việc hợp tác giữa FPT và đơn vị giữ bản quyền, hiện Truyền hình FPT chưa thể tiếp tục cung cấp nội dung Giải bóng đá Champions League và Eurropa League. Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để sớm cung cấp trở lại và sẽ thông tin tới Quý khách trong thời gian tới..."


Thông báo ngừng phát sóng trực tiếp các trận đấu thuộc giải Champions League và Europa League của Truyền hình FPT.

Tuy nhiên, "thời gian tới" đã không bao giờ tới, khi mà ngay chính cả đơn vị có bản quyền và cho phép tiếp sóng cũng đã bị cắt hợp đồng.

Rõ ràng, dù vì bất cứ nguyên nhân nào thì việc bị cắt sóng vẫn là thiệt hại lớn đối với VTVcab bởi họ đã bỏ tiền ra mua bản quyền giải đấu này cho hết mùa giải năm nay và mùa năm tới. Những thiệt hại kéo theo về hợp đồng quảng cáo với các doanh nghiệp vào "giờ vàng" này cũng không hề nhỏ.

Vấn đề là, VTVcab có lỗi hay không? Lỗi đến đâu, vi phạm cỡ nào để bị cắt sóng "phũ phàng" như vậy? Có lẽ không chỉ đơn giản là do các link vốn không thể kiểm soát trên mạng internet, hay việc các clip, hình ảnh đưa lại trên các trang thông tin điện tử vì đã số họ lấy từ nguồn trên mạng, không từ kênh của VTVcab (với logo VTV3). Hợp đồng giao kèo thực tế giữa VTVcab và bên cung cấp bản quyền là gì?

Việc này thì chỉ VTVcab và đơn vị cung cấp bản quyền UEFA hiểu rõ. Và có lẽ chỉ khi bản hợp đồng của VTVcab và đơn vị cung cấp bản quyền UEFA được công bố thì mới hết những đồn đoán về nguyên nhân đơn vị này bị đối tác cắt sóng. Đồng thời, cũng là để rõ hơn về vấn nạn bản quyền, sự hiểu biết và thực thi nó của mọi cá nhân, tổ chức.

Từ khóa: