Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc thiểu số: Bahnar, Xê đăng, M’nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Jrai... Cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời.
Điều đặc biệt, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Hơn thế, âm thanh cồng chiêng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái, tình cảm của con người trong cuộc sống: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...
Mỗi năm, người Tây Nguyên còn tổ chức hàng trăm lễ hội: Nào là lễ cúng bến nước, lễ rước Kpal, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cúng sức khỏe cho khách, lễ đâm trâu, lễ cưới voi... Bất cứ mỗi một lễ hội nào cũng không thể vắng tiếng chiêng. Và mỗi khi nhạc chiêng vang lên thì cũng là lúc mỗi thành viên trong buôn làng vui vầy sum họp, là lúc cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
Những thanh âm trầm hùng, huyền bí của tiếng cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Người Tây Nguyên dùng tiếng cồng tiếng chiêng để diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên, để nói lên khát vọng của con người
Không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ thuần túy mà cồng chiêng còn được đồng bào Tây Nguyên cho là phương tiện để giao tiếp với thần linh. Ngoài ra, cồng chiêng còn được xem là thước đo cấp độ giàu sang của từng gia đình, dòng họ. Chính vì vậy, cồng chiêng luôn được đồng bào Tây Nguyên xem như là bảo vật.
Ở một số nước Ðông-Nam Á, cồng chiêng cũng rất phổ biến, nhưng về kỹ thuật sử dụng thì cồng chiêng Tây Nguyên có những nét đặc trưng riêng hoàn toàn khác biệt. Nếu như ở Lào, Indonesia hay Malaysia..., cồng chiêng được kết thành dàn và trở thành một loại nhạc cụ do một người diễn tấu thì trong diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên, mỗi người chỉ được đánh một chiêng, dàn chiêng có bao nhiêu cái thì có bấy nhiêu người đánh. Tuy nhiên, để diễn tấu hoàn thiện một bài chiêng thì đòi hỏi mỗi người, tuy đánh một cái chiêng nhưng bắt buộc phải "hiểu" các chiêng khác đánh như thế nào.
Tây Nguyên có nhiều tộc người, nhưng họ luôn hoà hợp lẫn nhau trong văn hoá cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hoá văn hoá của nhau trong sinh hoạt văn hoá cồng chiêng.
Âm thanh cồng chiêng đem đến những cảm xúc rạo rực khó tả khiến người ta tìm đến nhau. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.
Ngày nay, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ được dùng khu biệt trong các lễ hội của đồng bào bản địa mà đang được nhiều người, nhiều quốc gia biết đến qua hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch, khách quốc tế, và đi lưu diễn tại các nước như: Pháp, Nhật Bản, Thụy Ðiển, Madagasca... Ði đến đâu, tiếng chiêng Tây Nguyên cũng đều được hoan nghênh cổ vũ nồng nhiệt. Tại các buôn làng Tây Nguyên, khi du khách đến đây tất cả họ đều muốn thưởng thức một nhịp chiêng, nhịp cồng cùng với những điệu nhảy say đắm lòng người của những cô gái Ê Đê, M’nông bên cạnh những ánh lửa hồng giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ.
Minh Phan
Theo Datviet