Việc Amazon thâu tóm Whole Foods có thể tạo ra áp lực giảm giá sâu rộng tại Mỹ, tạo thành một nỗi đau đầu mới cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon là Jeff Bezos đã làm thay đổi cách hoạt động của thế giới bán lẻ. Ông có thể sẽ sớm tạo ra những thay đổi cho toàn nền kinh tế Mỹ, thông qua việc thay đổi kỳ vọng về giá cả hàng tiêu dùng tại nước này.
Vào thời điểm các ngân hàng trung ương bắt đầu chạy đua gia tăng lạm phát, việc ông Bezos quyết định mua lại Whole Foods có thể là bước đầu của một quá trình dẫn tới giảm giá hàng hóa trên khắp nước Mỹ.
Các nhà phân tích đang kì vọng Amazon sẽ giảm giá các mặt hàng tại chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods - vốn đắt đỏ tới mức còn có biệt danh "Whole Paycheck" (đi shopping tại đây sẽ tốn hết cả lương tháng). Điều này có thể tạo ra ảnh hưởng lan tỏa trong ngành bán lẻ.
David Rosenberg, nhà kinh tế học cao cấp và chiến lược gia của Gluskin Sheff, cho biết: "Giờ đây, Amazon sẽ định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp bán lẻ thực phẩm và nhiều khả năng tạo ra tác động giảm phát - và hãy nhớ rằng ngành siêu thị và cửa hàng tạp hóa tại Mỹ có trị giá 800 tỷ USD”.
Rosenberg cho rằng "một cuộc chiến siêu thị có quy mô lịch sử" sẽ có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp bán lẻ tại Mỹ, "vốn đã và đang phải đương đầu với áp lực cạnh tranh đang leo thang từ các trang thương mại điện tử, cũng như các thương hiệu nước ngoài".
Trong khi một số nhà kinh tế không cho rằng việc Amazon sáp nhập Whole Foods sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới mức như vậy, chắc chắn điều này sẽ đặt ra những câu hỏi về việc Amazon có thể làm đảo lộn ngành siêu thị như thế nào. Nếu động thái này gây sức ép lên các chuỗi siêu thị khác, đặc biệt là Wal-Mart và Target, và buộc các chuỗi này phải hạ giá theo, thật khó để nói được hậu quả sau cùng sẽ là gì.
Điều này chắc chắn sẽ tạo thêm một vấn đề mới cho những cuộc tranh luận chính sách của các nhà lập pháp tại Washington.
David Maloni, chủ tịch của Hiệp hội Nhà hàng Hoa Kỳ (ARA), cho biết: "Chúng tôi không cho là điều này sẽ tác động nhiều tới giá hàng hóa trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ tạo ra sự thay đổi về cách người tiêu dùng đi mua thực phẩm. Tất nhiên, chúng tôi không biết kế hoạch của Jeff Bezos là gì, nhưng rất có thể ông ta đã nhìn thấy một thứ gì đó trong ngành bán lẻ thực phẩm có thể bị "phá bĩnh" (disrupt) trên quy mô lớn. Chúng ta chắc chắn đang ở trong một thời khắc quan trọng".
Đây là lúc chúng ta bắt đầu chứng kiến cuộc hôn nhân lớn nhất từ trước tới nay giữa một công ty thương mại điện tử và một công ty bán lẻ truyền thống.
Trước đây, Bezos đã từng vượt qua rào cản online/offline thông qua việc tạo ra những cửa hàng chớp nhoáng (pop-up stores) và mở hiệu sách Amazon tại Seattle. Việc xây dựng quan hệ đối tác tích cực với Whole Foods cho thấy rào cản đó đã bị phá vỡ hoàn toàn, và nhiều người đã xem đây là một chương mới cho ngành công nghiệp bán lẻ.
Dĩ nhiên, cũng có khả năng là thương vụ này sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ.
Hiện tại, giá thực phẩm chiếm khoảng 14,6% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, vốn là một thước đo lạm phát được sử dụng rộng rãi.
Để cho vụ sáp nhập Amazon - Whole Foods có tác động giảm phát thực sự, nó cần phải tạo ra một phản ứng dây chuyền trong cả ngành bán lẻ, buộc các chuỗi siêu thị và cửa hàng tạp hóa lớn khác bắt đầu hạ giá để theo kịp. Đây là một xu hướng không khó hình dung khi ảnh hưởng của Amazon đối với giá bán lẻ nói chung, nhưng khi nào thì việc này xảy ra vẫn đang là dấu hỏi.
Joe Brusuelas, kinh tế gia trưởng của công ty tư vấn thị trường RSM, cho biết: "Đối với thương vụ sáp nhập Amazon - Whole Foods, tôi nghĩ rằng chưa tới lúc để dự đoán về áp lực giảm phát thông qua giá tại các cửa hàng tạp hoá, dựa trên khả năng vận chuyển hàng hoá của Amazon tới các khách hàng. Đây là bước tiến đầu tiên vào một ngành công nghiệp có tính biến động cao và dựa nhiều vào giá cả hàng hóa, vốn miễn nhiễm với khả năng chi phối chuỗi cung ứng của Amazon".
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed
Có lẽ suy nghĩ của Fed sẽ theo hướng kể trên, rằng một mình Amazon không đủ sức tạo ra áp lực giảm phát. Các quan chức Fed đã chỉ ra rằng mặc dù lạm phát năm nay đã giảm nhẹ, trong năm tới nó sẽ lên mức 2% đúng như mục tiêu của Fed. Điều này giải thích cho ý định thắt chặt tiền tệ hiện nay của Fed.
Tuy nhiên, niềm tin đó đang chịu nhiều thách thức lớn trên thị trường tài chính.
Bill Miller, nhà đầu tư huyền thoại và người đứng đầu của quỹ Miller Opportunity Fund, nói tại chương trình "Closing Bell" của CNBC hôm thứ Sáu tuần trước rằng: "Fed có vẻ như quá tôn sùng việc quay trở lại điều kiện bình thường (normalization)”. Miller cho biết ông muốn Fed cho phép lạm phát cao hơn, khi không có nhiều rủi ro về việc nền kinh tế phát triển quá nóng trong điều kiện hiện tại.
Thêm vào đó, con trai của ông là Bill Miller IV bổ sung thêm rằng "các rủi ro thực sự không đối xứng" và nếu để cho nền kinh tế rơi vào giảm phát thì còn nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, Fed có một cái nhìn tổng thể về lạm phát hơn là cho rằng một vụ sáp nhập doanh nghiệp lớn có thể gây áp lực giảm giá.
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách có xu hướng coi nhẹ sự biến động của giá lương thực và năng lượng, cho rằng chúng có xu hướng biến động và những ảnh hưởng của chúng chỉ là tạm thời. Thay vào đó, họ tập trung vào cái gọi là lạm phát lõi (core inflation), vốn không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng.
Đó là lý do tại sao Fed có thể sẽ cần những tín hiệu khác trước khi bắt đầu thay đổi chính sách hiện tại.
Jeremy Lawson, nhà kinh tế học của Standard Life Investments, cho biết: "Chúng ta cần phải thực tế hơn về tác động của thương vụ sáp nhập này lên mức lạm phát giá lương thực trong tương lai gần. Chúng ta cần giám sát nó, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến dự báo lạm phát trong ngắn hạn."
Bá Ước
Theo Nhịp cầu Đầu tư/ CNBC