Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 300 hộ dân có đơn tố cáo về hành vi chiếm đoạt của cán bộ điện lực. Thông tin chúng tôi có được, cơ quan chức năng bước đầu đã làm rõ 200 triệu đồng bất chính đã được chia chác.
Trước thông tin của bà con, chúng tôi đã đến một số xã ở huyện Nam Đàn để tìm hiểu thực hư. Đâu đâu người dân cũng ta thán việc làm vô lương tâm của một số cán bộ thuộc Chi nhánh điện lực Nam Đàn. Họ cho biết, mánh lới của những cán bộ này là, nếu không nộp tiền thì không có điện. Nhất là đối với các hộ kinh doanh như xay xát, sản xuất, một ngày không có điện là mất trắng hàng chục triệu đồng...
Anh Vương Hồng Sơn bên chiếc đồng hồ đo điện phải trả tiền oan uổng của nhà mình.
Tại xã Kim Liên, người đầu tiên chúng tôi tình cờ gặp là ông Phan Trọng Nhuần - Phó Chủ tịch HĐND xã. Ông Nhuần nói: “Hỏi gì ai, chính nhà tôi cũng phải đóng cho họ hơn một triệu đồng mới có điện để sử dụng. Tôi cũng biết chủ trương của Nhà nước là không thu tiền đồng hồ nên tôi đã thắc mắc. Thế nhưng cán bộ điện lực lại bảo, nếu thế thì để bọn em đi xin chủ trương, thiết bị, xin kế hoạch ở sở đã, nếu được cũng phải 6 - 7 tháng mới có điện”.
Trưởng Công an xã Kim Liên – ông Trần Văn Thiện - khẳng định: “Cả xã chúng tôi có khoảng 50 hộ dân bị mất khoản tiền vô lý đó, người ít nhất là hơn 1 triệu đồng, người nhiều là 6 đến 7 triệu đồng. Chúng tôi đã có thông báo đến nhân dân để họ trình báo. Hôm trước, công an huyện về làm việc, bà con đến trình báo mất hai buổi mới hết danh sách”.
Theo chỉ dẫn của ông Thiện, chúng tôi về xóm Đồng 2 - là xóm có nhiều gia đình mất nhiều tiền nhất. Anh Vương Hồng Sơn làm nghề xay xát cho biết, anh là người lắp côngtơ của chương trình bán điện tại gia đầu tiên, chi phí lắp đặt đến 8,7 triệu đồng. “Lúc đó điện của HTX không còn nữa, nếu không đóng tiền cho họ thì mình không có điện vận hành máy. Mà làm nghề này nghỉ vài ngày là đói rồi. Thôi thì đóng tiền nhanh để có điện nhanh” - anh Sơn thở dài.
Rồi anh cho biết, hai người đến thu tiền và lắp đặt đồng hồ cho anh có tên là Ánh và Tuấn. Ngoài việc thu tiền đồng hồ, họ còn tính tiền dây cáp cho anh với giá cắt cổ. Ở TP.Vinh, một mét dây điện như đã lắp cho anh có giá 47.000 đồng, nhưng hai cán bộ kia đã tính cho anh 120.000 đồng/m.
Rồi nhà anh Nguyễn Văn Nguyên cũng phải nộp hơn 3 triệu đồng mới được lắp đặt đồng hồ. Nhà anh Nguyễn Hải Kỳ - cũng ở xóm Đồng 2 - chẳng phải kinh danh buôn bán gì cả, thế mà cũng phải nộp 1.200.000 đồng mới có điện. Anh Kỳ kể: “Vợ chồng em được cha mẹ cho ra ở riêng. Em mang hồ sơ đăng ký sử dụng điện đến Chi nhánh điện lực Nam Đàn thì được hướng dẫn nộp tiền cho thủ quỹ 1.200.000 đồng. Họ bảo, nếu không nộp tiền thì phải chờ lúc nào đến lượt mới lắp đồng hồ. Em nộp xong, hai ngày sau có hai công nhân đến lắp ngay”.
Còn ở xã Nam Xuân thì tệ hơn nhiều. Chị G cứ xin giấu tên thì mới kể: Nhà chị phải nộp cho cán bộ điện lực 1.600.000 đồng mới được lắp côngtơ. Khi có ỳ xèo về việc này, cán bộ điện lực gặp chị đe dọa, nếu báo với công an sẽ cắt điện vĩnh viễn. Rồi chị Nguyễn Thị Hồng, đã nộp 1.250.000 đồng nhưng suốt một năm vẫn không được cấp điện. Chị chạy tá hỏa đi hỏi thì cán bộ điện lực bảo phải nộp thêm 250.000 đồng nữa mới có điện. Mất 1 năm với số tiền 1.500.000 đồng, nhà chị Hồng mới có điện.
Chiều ngày 21.12, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với tân Giám đốc Chi nhánh điện lực Nam Đàn – ông Phan Văn Hà. Ông Hà cho hay, mình mời lên làm giám đốc được một tháng nên chưa nắm được gì nhiều. Chỉ khi có công an đến làm việc thì mới biết có 2 cán bộ của chi nhánh vi phạm là anh Trung và anh Tuấn. Tuy nhiên, Cty điện lực Nghệ An đã xử lý thuyên chuyển 2 cán bộ này đi nơi khác rồi. Ngoài ra, ông Hà không cung cấp gì thêm cho phóng viên, với lý do: “Trước đây làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật nên không biết gì nhiều”.
Phạm Việt Thắng
Theo Lao dong