Sự kiện hot
7 năm trước

Ẩn họa mốt đeo kính áp tròng

Đeo kính áp tròng hay còn gọi là đeo lens được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, lạm dụng đeo kính áp tròng nhất là những loại kính giá rẻ, không đảm bảo chất lượng có thể khiến cho đôi mắt của bạn bị mù vĩnh viễn.

Tại Việt Nam, kính áp tròng cũng ngày càng trở nên phổ biến, hấp dẫn các bạn trẻ. Kính áp tròng là tròng kính nhựa rất mỏng được đặt trực tiếp lên bề mặt của mắt, thông thường dùng để điều chỉnh tầm nhìn. Người ta cũng có thể mang kính với mục đích làm đẹp hay trị liệu.

Các sản phẩm kính áp tròng hiện nay thậm chí được rao bán tràn lan trên các trang mua bán và mạng xã hội với giá thành chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/đôi. Mức giá hấp dẫn, những lời quảng cáo mê hoặc, các bạn trẻ đã tìm mua kính áp tròng với mục đích để làm mắt to đẹp hơn, có thể thay đổi nhiều màu mắt, dùng được cho cả người có tật khúc xạ.

Vì tính tiện dụng, thời trang và giá thành mà nhiều bạn trẻ đã không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, sẵn sàng mua những sản phẩm này trên mạng với một người không hề có chuyên môn về kính mắt, hoặc sản phẩm chưa qua kiểm tra đánh giá.

Nhược điểm của kính áp tròng chính là hiện tượng yếm khí dễ dẫn đến viêm loét giác mạc hay nấm, từ đó sẽ gây sẹo giác mạc… Chính vì vậy, kính áp tròng không được khuyến nghị sử dụng liên tục, ngay cả với kính thuốc. Tuy nhiên, hiện việc sử dụng kính áp tròng vì mục đích “thời trang” lại khá phổ biến.

Người đeo kính áp tròng đôi khi thấy cộm, khó chịu ở mắt, thường nhỏ chút nước muối có thể thấy dễ chịu hơn nên hay bỏ qua. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần thì bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra. Bởi, những vết xước không được điều trị ngay có thể thành sẹo giác mạc, làm giảm thị lực không hồi phục”

Mắt rất nhạy cảm, vì vậy nếu lạm dụng đeo kính áp tròng, nhất là những loại có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo và vệ sinh kính cũng như đeo kính không đúng cách, trường hợp nhẹ sẽ bị sưng, dị ứng, viêm kết mạc. Đeo lâu ngày sẽ làm mắt thiếu oxy, dẫn đến khô mắt, đau mắt, nghiêm trọng hơn sẽ gây loét giác mạc, giảm thị lực, nhạy cảm ánh sáng, thậm chí mù lòa.Kính áp tròng cũng làm giảm cảm giác ở các giác mạc, dễ gây loét giác mạc nếu đeo thường xuyên. Với kính áp tròng có màu sẽ khiến người đeo giảm tầm nhìn, gây nhức mỏi mắt.Đáng lưu ý, bề mặt kính áp tròng chứa nhiều vi khuẩn, khi đeo kính vào mắt sẽ làm cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm.Chưa kể dung dịch rửa kính, hộp ngâm kính nếu không dùng đúng cũng sẽ là nguồn lây bệnh, là cầu nối để ký sinh trùng tấn công mắt.

Đặc biệt, ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với những người sử dụng kính áp tròng. Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi và bể bơi. Chúng có thể tự vỗ béo bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong mắt kính áp tròng bị nhiễm bẩn. Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả là mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.

Màn kính áp tròng có thể làm giảm mối liên hệ của giác mạc với không khí. Mắt cũng giống như cơ thể con người, cũng cần được cung cấp oxy. Nếu sự tiếp xúc giữa mắt và không khí bị cản trở sẽ dẫn tới thiếu oxy, làm mỏi mắt và giảm sức đề kháng của mắt.Việc dùng kính kém chất lượng, dễ khiến người dùng bị khô mắt, gây loét giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.

Để tránh những tổn thương không đáng có cho mắt hãy đến các cơ sở y tế để nhận sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng kính áp tròng và mua kính áp tròng ở những cửa hàng uy tín, tuyệt đối không mua kính trôi nổi trên mạng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước khi quyết định đeo kính áp tròng cần đi khám bác sỹ chuyên khoa mắt để xem có được chỉ định dùng kính không.Tuyệt đối không tùy tiện dùng kính khi chưa có chỉ định.

Bên cạnh đó, ngoài những vấn đề vệ sinh chung như hướng dẫn (ngâm, rửa kính áp tròng trong dung dịch chuyên dụng), việc luôn đảm bảo bàn tay sạch khi thao tác đeo, chỉnh kính cũng cần được chú trọng. Nếu bàn tay bẩn sờ vào kính rồi đưa lên mắt sẽ dễ dàng khiến vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào mắt. Mặt khác, không nên đeo kính áp tròng trường diễn mà hãy đeo xen kẽ với kính gọng để giảm bớt những nguy cơ rủi ro cho đôi mắt. Khi đi trời mưa, đi bơi, đi ngủ cần tháo kính áp tròng. Tuyệt đối không đeo khi mắt bị viêm nhiễm. Đặc biệt, người dùng không được để kính áp tròng tiếp xúc với nước bọt hay để vào miệng vì vi khuẩn trong nước bọt sẽ thâm nhập vào mắt ; không đeo kính áp tròng khi trời mưa, đi bơi, đi lặn, đi ngủ ; k hông nên đeo kính áp tròng cả ngày. Khi mắt bị viêm nhiễm, người dân tuyệt đối không tiếp tục sử dụng kính áp tròng ...

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: