Sự kiện hot
13 năm trước

An toàn thông tin trong giao dịch Thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay (P1)

Dantin - Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, việc trao đổi thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dantin - Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, việc trao đổi thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn thông tin chính xác, kịp thời với chi phí thấp sẽ giúp DN triển khai hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt. Do đó, việc đảm bảo cho thông tin được trao đổi liên tục trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại phát triển. Nếu như trước đây, việc tiếp cận, thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin thường gặp nhiều khó khăn, mất thời gian và rất tốn kém thì với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT), DN có thể thực hiện những công việc này nhanh chóng và với chi phí thấp hơn bao giờ hết.

Trên phạm vi toàn cầu, các tổ chức, các quốc gia có những quan điểm, chính sách và cơ chế rất khác nhau đối với vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ví dụ, Liên minh Châu Âu (EU) cấm không cho chuyển giao thông tin cá nhân ra ngoài EU đến các quốc gia thiếu các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân “một cách thích đáng” theo quan điểm của EU. Hoa Kỳ đã ban hành nhiều văn bản luật có liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân như Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng, Đạo luật Báo cáo tín dụng trung thực,v.v…các văn bản luật này đều có những quy định cụ thể về bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân. Australia và New Zealand đã ban hành Luật bảo vệ quyền riêng tư. Nga ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu,v.v…

Đã có trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ thực thi luật pháp liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân với nhiều mức độ khác nhau. Do hệ thống luật pháp của các quốc gia được xây dựng trên những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân, việc trao đổi thông tin thông qua các phương tiện điện tử hiện đại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại về mặt pháp lý. Vấn đề này đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại.

Vi phạm thông tin ngày càng nhiều

Trong thời gian vừa qua, với tốc độ phát triển nhanh chóng của ứng dụng CNTT và TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với sự phát triển của internet, giao dịch TMĐT của các DN Việt Nam tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến thông tin cá nhân cũng ngày một nhiều hơn, gây tâm lý e ngại cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch TMĐT. Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương thì đến nay, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân luôn được các DN đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển TMĐT ở Việt Nam.

Từ khi Luật giao dịch điện tử ra đời vào năm 2005 đến nay, ứng dụng TMĐT của các DN Việt Nam đang ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ cuối năm 2007, nhiều DN đã triển khai và áp dụng chu trình giao dịch TMĐT hoàn chỉnh. Các công đoạn của giao dịch từ quảng cáo, chào hàng, giao kết hợp đồng đến thanh toán, giao hàng, chăm sóc khách hàng, bảo hành đều có thể thực hiện qua môi trường điện tử. Việc thu thập thông tin khách hàng trên môi trường mạng, do đó, đã trở thành nhu cầu tất yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Các giao dịch điện tử giữa DN với cá nhân (B2C), các hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu, tiếp thị, quản trị quan hệ khách hàng (CRM), v.v… đã trở thành hoạt động thường xuyên.

Do đặc thù của giao dịch TMĐT là được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, các đối tác thực hiện giao dịch mua bán, thanh toán, nhận hàng mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, nên nhu cầu về thông tin cá nhân là rất lớn, bao gồm cả thông tin riêng tư, nhạy cảm nhất. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ hiện đại như cookie, phần mềm gián điệp, định vị toàn cầu và các cơ sở dữ liệu số hoá cũng cho phép các DN chuyên kinh doanh trên internet có thể dễ dàng thu thập và xử lý thông tin cá nhân phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Các tổ chức quảng cáo trực tuyến cũng luôn đẩy mạnh hoạt động thu thập, thiết lập, thậm chí kinh doanh các hồ sơ thông tin về người tiêu dùng. Thông tin cá nhân đã và đang trở thành thứ hàng hoá có giá trị đối với DN. Cá nhân, người tiêu dùng khó có thể hình dung hết được những nguy cơ thông tin cá nhân của mình bị khai thác bất hợp pháp khi tham gia giao dịch, mua bán trên môi trường mạng.

Th.S Nguyễn Thị Hương

Từ khóa: