Tổng thống Argentina Cristina Fernández ngày 24/9 tố cáo các quỹ “kền kền” là những kẻ “khủng bố” vì gây bất ổn kinh tế của các nước thông qua các hoạt động đầu cơ tài chính.
Tổng thống Argentina Cristina Fernández phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: CFKArgentina)
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Argentina cho rằng không chỉ những kẻ đánh bom mà những kẻ làm bất ổn nền kinh tế của các nước dẫn tới tình trạng nghèo đói cũng là thành phần khủng bố.
Theo bà Fernández, các quỹ “kền kền” với sự đồng lõa của hệ thống tư pháp Mỹ đã ngăn không cho Argentina thanh toán nợ cho các chủ trái phiếu đã đồng ý tái cơ cấu nợ sau khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực ngăn cản của các quỹ đầu cơ này, Argentina sẽ trả nợ.
Người đứng đầu nhà nước Argentina cũng nêu bật sự ủng hộ của đông đảo các nước đối với đề xuất của Buenos Aires trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý quốc tế về tái cơ cấu nợ công trong cuộc bỏ phiếu đầu tháng này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trước đó, để “tránh” lệnh của tòa án Mỹ phong tỏa tiền trả nợ, chính phủ Argentina đã trình và được Quốc hội thông qua dự luật về việc chuyển địa điểm trả nợ về Argentina hoặc Pháp, nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ trái phiếu đã tham gia tái cơ cấu nợ.
Thực hiện luật trên, ngày 24/9, Bộ Kinh tế Argentina đã thông qua hợp đồng ủy thác cho công ty vừa được thành lập Nación Fideicomisos S.A thực hiện việc trả lãi cho các trái chủ đã chấp nhận tái cơ cấu nợ.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof, Buenos Aires sẽ trả khoảng 200 triệu USD tiền lãi đến hạn ngày 30/9 thông qua công ty này.
Như vậy, với luật mới được thông qua, Bank of New York Mellon (BoNY) của Mỹ bị tước vai trò ủy thác thanh toán các trái phiếu nợ của Argentina được phát hành theo luật nước ngoài.
Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, bị coi là vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý đáo nợ và nhận không đầy đủ giá trị thực của trái phiếu.
Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ mà đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management đã kiện Argentina tại tòa án ở New York và thắng kiện đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá trị mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD.
Các quỹ đầu cơ này bị gọi là các quỹ “kền kền,” vì mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn kinh tế với giá rẻ mạt so với giá trị thực tại thị trường thứ cấp, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án để đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt.
Mới đây thẩm phán Mỹ Thomas Griesa đã phong tỏa 539 triệu USD được Buenos Aires chuyển vào tài khoản của BoNY từ cuối tháng Sáu để thanh toán khoản lãi tới hạn cho các trái chủ đã chấp nhận đáo nợ.
Theo ông Griesa, Argentina phải trả toàn bộ tiền nợ cho các quỹ “kền kền” rồi mới được phép thanh toán cho các chủ trái phiếu đồng ý tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên Argentina không thể thực hiện phán quyết này, vì nếu chấp nhận thanh toán nợ cho các quỹ “kền kền” theo đúng mệnh giá trái phiếu, Buenos Aires cũng sẽ thanh toán theo phương thức tương tự cho những trái chủ đã đồng ý tham gia tái cơ cấu nợ và chấp nhận đáo nợ nếu như họ yêu cầu.
Theo ước tính của các chuyên gia, tổng số tiền mà Argentina phải thanh toán theo phương thức này có thể lên tới 250 tỷ USD.
Cùng ngày, Viện thống kê quốc gia Argentina (INDEC) cho biết nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này đã thoát khỏi đà suy thoái với mức tăng trưởng 0,9% ghi nhận trong quý 2 vừa qua.
Cơ quan này cũng dự đoán kinh tế Argentina sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khả năng và đạt mức 2,8% vào năm 2015. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế độc lập vẫn cảnh báo nhiều nguy cơ tiềm tàng đối với quốc gia Nam Mỹ này khi lạm phát trong năm nay đã lên tới gần 30% (số liệu không chính thức) và đồng nội tệ peso đang mất giá mạnh.
Trước đó Argentina đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm trong hai quý liên tiếp, lần lượt là 0,8% trong quý 4/2013 và 0,5% trong quý 1/2014, cũng theo số liệu của INDEC.
theo Vietnam+