Là một nước xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời lại nhập khẩu xăng dầu. Giá dầu thế giới chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Giá dầu thì rất khó dự báo, nhưng, điều hành nền kinh tế vĩ mô thì không thể bất ngờ.
Giá xăng dầu giảm liên tiếp, do giá dầu thế giới giảm (Ảnh: T.Vân)
Chúng ta xây dựng kế hoạch cho nền kinh tế Việt Nam dự trên dự báo giá dầu ở mức 100 USD/thùng, vậy mà mấy ngày vừa qua, giá dầu thế giới đang đứng ở mức 47 - 48USD/thùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Tổ công tác đưa ra mức dự báo, cụ thể giá 60USD/thùng, 50USD/thùng và 40USD/thùng. Nếu 60USD/thùng, thì sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của chúng ta có giảm, nhưng giảm không đáng kể, chúng ta sẽ xem xét ở một số lô có giá thành sản xuất cao hơn giá bán. Có thể dừng sản xuất hoặc tiết giảm sản lượng. Ở kịch bản 50USD/thùng, chúng ta cũng sẽ phải giảm nhiều hơn, nếu như ở mức 40USD/thùng, chúng ta có thể phải giảm từ 1,8 đến 2 triệu tấn”.
Còn, Ths Kinh tế Nguyên Quốc Việt, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với 3 kịch bản vừa được Tổ công tác đưa ra, đã bao quát rất có thể sẽ xảy ra trong năm nay. Tức là giá dầu thô bình quân sẽ giao động ở mức 40 - 60USD/thùng. Với mức này, nó nằm trong khá nhiều dự báo. Tuy nhiên, có không ít dự báo cực đoan hơn, đó có thể không thấp hơn 60USD do giá dầu biến động. Nhưng, thậm chí có người cũng đưa ra kịch bản xuống dưới 25USD/thùng. Vì vậy, chúng ta có thể bổ sung thêm những kịch bản giá dầu xuống thấp hơn để khỏi bất ngờ cho việc điều hành nền kinh tế.
“Việc giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu khác để đạt được mục đích tăng trưởng kinh tế, kể cả vấn đề điều chỉnh chỉ số về giá. Bởi, khoảng cách chênh lệc giữa 40USD giảm xuống 25USD/thùng không phải là nhỏ”, Ths Việt nhấn mạnh.
Là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, một vấn đề nữa cũng rất được quan tâm. Đó là giá dầu giảm kéo theo nguồn thu ngân sách sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Quốc gia, trong 3 kịch bản, thì kịch bản mà giá dầu xuống mức 60USD/thùng, chúng ta hụt thu ngân sách 7.500 tỷ; nếu giá dầu 50USD chúng ta giảm xuống 9.500 tỷ; còn nếu 40USD/thùng, chúng ta giảm thu 11.500 tỷ đồng.
Theo Ths Kinh tế Nguyễn Quốc Việt, sau thông tin của các bộ, ngành, tôi cảm thấy yên tâm, chúng ta cũng không hụt thu lớn khi giá dầu giảm sâu. Kể cả với mức giá giảm xuống 50USD/thùng, nghĩa là giảm ½ so với giá mà chúng ta đưa ra xây dựng kế hoạch thu ngân sách. Như vây, chúng ta tạm thời khá yên tâm. Tuy nhiên, thu vào ngân sách Nhà nước, ngoài dầu thô, còn có thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô và thuế tài nguyên. Mỗi một năm các khoản thu này cỡ trên dưới 70 ngàn tỷ đồng.
Giá dầu giảm tác động có lợi cho nền kinh tế, nhất là người tiêu dùng.(Ảnh: Trà Vân)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giá dầu giảm vẫn không điều chỉnh các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Hiện giá dầu đã giảm thấp hơn so với giá Chính phủ trình ra với Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, đảm bảo tăng trưởng GDP là 6,5%, điều hành lạm phát khoảng 5%, như chỉ tiêu đề ra. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động trong điều hành lãi suất và tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến của lạm phát để góp phần bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo ngân sách Nhà nước, không điều chỉnh tổng thu, tổng chi ngân sách Nhà nước của năm 2015. Dù giá dầu trên thế giới ở mức thấp, nhưng theo phương án mà Tổ Công tác liên bộ về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đưa ra thì mức hụt thu ngân sách không đáng lo ngại như dự báo trước đây kể cả khi giá dầu thế giới xuống mức 40USD/thùng.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Tổ công tác và Điều hành Kinh tế vĩ mô bao gồm 4 bộ: Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Bộ tài chính; Bộ Công thương; Ngân hàng Nhà nước vừa họp để thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp, kiến nghị đến Chính phủ về điều hành kinh tế vi mô, trong bối cảnh giá dầu giảm sâu....
|
Trà Vân
theo Thanh tra