Sự kiện hot
13 năm trước

Bác bỏ 'sinh vật lạ' ăn thạch tín của NASA

Nghiên cứu công bố năm 2010 của NASA về bằng chứng sinh vật sống trong môi trường thạch tín đã bị bác bỏ bởi 2 nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín Science.

Nghiên cứu công bố năm 2010 của NASA về bằng chứng sinh vật sống trong môi trường thạch tín đã bị bác bỏ bởi 2 nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín Science.

Năm 2010, tiến sĩ Felisa Wolfe-Simon và cộng sự thuộc Viện nghiên cứu sinh vật vũ trụ của NASA tuyên bố tìm thấy bằng chứng về một loại vi khuẩn mới có thể sống nhờ ăn thạch tín trong môi trường hồ Mono (Mỹ). Điều này đồng nghĩa dạng sống tương tự có thể cũng tồn tại trên hành tinh khác.

Hồ Mono ở California – nơi các nhà khoa học NASA phát hiện thấy vi khuẩn
có khả năng sống trong môi trường thạch tín.

Nghiên cứu này gây ra nhiều nghi ngờ trong giới khoa học, bởi khoa học đã chứng minh sự sống dựa trên thành phần cơ bản là phốt-pho, trong khi thạch tín, nguyên tố có tính chất hóa học rất giống nó, lại là thuốc độc. Trong hai nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tạp chí khoa học uy tín Science, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vi khuẩn không thể ăn thạch tín như các nhà khoa học của NASA công bố.

Trong nghiên cứu mới thứ nhất, một nhóm các nhà khoa học đứng đầu bởi tiến sĩ Rosemary Redfield thuộc Đại học British Columbia (Canada) đã tự kiểm tra lại vi khuẩn cùng loại và phát hiện môi trường giàu thạch tín không có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của vi khuẩn này.

Trong khi đó, nghiên cứu khác của các nhà khoa học người Thụy Sĩ phát hiện loại vi khuẩn trên có khả năng kháng lại các tác động độc hại của thạch tín và vẫn phụ thuộc vào phốt-pho để phát triển.

Từ 2 nghiên cứu trên, tạp chí Science kết luận, những loài vi khuẩn trong nghiên cứu của các nhà khoa học NASA vào năm 2010 không phá vỡ quy luật của tự nhiên. Điều này đồng nghĩa không có loài vi khuẩn nào có thể tồn tại trong môi trường thiếu phốt-pho.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Wolfe-Simon, từ Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), vẫn cho rằng: “Không có dữ liệu nào trong 2 nghiên cứu mới công bố mâu thuẫn với những dữ liệu trong nghiên cứu của chúng tôi trước đây.”

Hà Hương
Theo Vietnamnet

Từ khóa: