Sự kiện hot
12 năm trước

Bác bỏ tin đồn sáp nhập ngân hàng

Rục rịch tiến hành đại hội cổ đông bất thường, cả HDBank và DaiABank đều cho biết, nội dung của các cuộc họp này sẽ bàn đến chương trình tái cấu trúc ngân hàng. Đồng thời, cả hai ngân hàng đều không ghi nhận thông tin sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.

Rục rịch tiến hành đại hội cổ đông bất thường, cả HDBank và DaiABank đều cho biết, nội dung của các cuộc họp này sẽ bàn đến chương trình tái cấu trúc ngân hàng. Đồng thời, cả hai ngân hàng đều không ghi nhận thông tin sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.

Chiều 26/10, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á (DaiABank) phát đi thông điệp của Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Quách Văn Đức liên quan đến thông tin về vấn đề sáp nhập, hợp nhất.

Tại thông điệp này, ông Đức đã đưa ra quan điểm của Ban lãnh đạo ngân hàng trước khá nhiều tin đồn và thông tin xuất hiện trong những ngày vừa qua, cho rằng DaiABank sẽ sáp nhập vào Tổ chức tín dụng khác.

Theo đó, Chủ tịch DaiABank khẳng định: "cho đến nay Hội đồng Quản trị DaiABank vẫn đang xem xét và chưa có quyết định".

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Đức thì thời gian gần đây, đã có nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DaiABank theo các phương thức hợp nhất hoặc sáp nhập.

Theo DaiABank, việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2012 cùng thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường của các tổ chức tín dụng khác là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Vừa đây, ngay sau thông tin triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào ngày 30/10 tới tại Đồng Nai, HĐQT Ngân hàng lại tiếp tục có thông báo về việc lùi thời gian sang tháng 11. Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp cổ đông bất thường này, đại hội sẽ bàn những vấn đề về tái cấu trúc.

Một ngân hàng khác cũng đang chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông bất thường là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank). Theo đó, ngày 31/10/2012 này, ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thảo thuận về 2 vấn đề chính, trong đó có nội dung quan trọng là trình và thông qua các tài liệu liên quan việc thực hiện tái cơ cấu.

Theo HDBank, hiện ngân hàng này đang xem xét một số khả năng hợp tác với các tổ chức tín dụng, nhưng thông tin HDBank mua lại ngân hàng khác hoặc có tổ chức tín dụng sát nhập với HDBank là "chưa có cơ sở và không phải là thông tin chính thức từ Ban lãnh đạo HDBank".

Tại đại hội đồng cổ đông ngày 27/4/2012, ngân hàng từng đưa ra kiến nghị đối với đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định, tổ chức, chỉ đạo triển khai phương án mua lại, sáp nhập ngân hàng khác vào HDBank. Tờ trình tại cuộc họp này có lưu ý, "Khi tìm được đối tác phù hợp, Hội đồng quản trị sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến đại hội đồng cổ đông quyết định".

Phát biểu tại cuộc họp này, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm từng cam kết "nếu có mua bán sáp nhập sẽ đảm bảo giữ nguyên thương hiệu HDBank, đồng thời năng lực phát triển của ngân hàng, lợi ích cổ đông sau sáp nhập sẽ tốt hơn".

Hiện tại, theo thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc, có 5 ngân hàng đã có phương án tái cấu trúc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và đang triển khai. Bốn ngân hàng còn lại (1 ở phía Bắc và 3 ở phía Nam) chưa có đề án hợp lý.

Theo Dân trí

Từ khóa: