Chia sẻ về việc nạo silicon khiến khuôn mặt bị biến dạng của hotgirl Linda, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà cho biết: "Việc lấy silicon sẽ vẫn khiến khuôn mặt bị mấp mô, biến dạng và không bao giờ hết được."
Mới đây, những hình ảnh về khuôn mặt bị biến dạng sau khi nạo silicon của hotgirl chuyển giới Linda đã khiến không ít người bất ngờ và xót xa.
Trên trang cá nhân của mình, Linda viết: "Tình trạng hiện giờ là mặt mình đã bị biến dạng hơn 70% sau khi nạo silicon ra khỏi mặt. Đến nay cũng đã hơn 1 tháng nhưng tình trạng không hề cải thiện mà mặt mình ngày càng méo mó biến dạng hơn và tệ đi trông thấy!"
Hotgirl chuyển giới cũng đã tìm đến các bệnh viện và bác sĩ giỏi ở Việt Nam nhưng không một ai dám nhận trường hợp này bởi tình trạng sau khi nạo silicon đã trở nên quá nặng.
Khuôn mặt bị biến dạng sau khi nạo silicon của hotgirl chuyển giới Linda.
Hotgirl Linda trước thời điểm khuôn mặt bị biến dạng vì nạo silicon.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Thạc sĩ tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện chỉnh hình Hà Nội đã có những chia sẻ về vấn đề nạo silicon ở khuôn mặt:
"Trước hết, chúng ta cần phải hiểu về chất filler. Filler là chất làm đầy và có rất nhiều dạng:
1. HA (acid hyaluronic)
2. Mỡ cơ thể.
3. Silicon
Trong 3 dạng trên thì HA là một chất được cho là an toan nhưng nhược điểm là đắt tiền và tiêu nhanh.
Mỡ cơ thể thì sẽ không bao giờ có mỡ nhân tạo mà chỉ có mỡ tự thân, lấy của chính khách hàng. Mỡ tự thân sau khi được rút sẽ quay li tâm lọc để lấy thành phần mỡ tốt và tiêm lại. Nhưng đối với người có cơ thể gầy, việc không có mỡ thì sẽ phải chọn giải pháp thứ 3 là silicon. Tuy nhiên, silicon lại là một loại filler cấm được sử dụng trong làm đẹp.
Thông thường, những thẩm mỹ spa ở ngoài không có uy tín chuyên môn cao, người ta sẽ đánh lừa bạn rằng đó là mỡ cơ thể hoặc filler nhưng thực ra lại là silicon. Nếu nói silicon thì chắc chắn không ai dám tiêm vì chất này đã bị cấm từ rất lâu.
Khi vào cơ thể, silicon sẽ không tập trung lại một chỗ mà nó sẽ lan ra các ngóc ngách trên khuôn mặt. Silicon là một chất lạ nên bao giờ cũng bị cơ thể của mình chống lại, các bạch cầu sẽ gom lại thành những khối. Những khối đó trong chuyên môn gọi là siliconoma. Những siliconoma sẽ lấy ra được tuy nhiên nó lan tràn rất nhiều nên mình không thể lấy được 100%.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà.
Thậm chí những khối tập trung, bác sĩ cũng không thể lấy ra được hết bởi siliconoma sẽ bị vỡ và rò ra và tạo nên các hiện tượng mấp mô trên khuôn mặt.
Để khắc phục trình trạng biến chứng cho silicon, bệnh nhân cần đến cơ sở bác sĩ có chuyên môn, phải siêu âm, chụp cộng hưởng từ vùng tiêm. Việc bóc tách lớp silicon cần mất rấtnhiều lần, không thể chỉ qua một lần.
Khi lấy những khối silicon không bao giờ được chọc hút ra bởi đó là những đường rò và không bao giờ liền được. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ bóc tách ở các đường khác sau đó mới lấy ra được. Nếu chỉ sờ và tự chọc hút ra thì sẽ khiến da mặt bị nhấp nhô.
Khi khuôn mặt bị biến dạng vì silicon thì vẫn cần bóc tách cả phần silicon nằm trong các tổ chức lành. Điều này vẫn sẽ làm cho khuôn mặt bị mấp mô, biến dạng và sẽ không bao giờ hết được.”
Vy Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi