Việc thu thuế đối với loại hình kinh doanh buôn bán trên các trang mạng xã hội tuy còn nhiều khó khăn nhưng là việc vẫn phải làm.
Bài 1: Khó thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội
Thương mại điện tử mà cụ thể là hình thức kinh doanh trên mạng xã hội đang trở thành phương thức kinh doanh mang lại nhiều lợi ích. Điểm tích cực của loại hình kinh doanh này là chi phí đầu tư thấp, không cần thuê mặt bằng nhưng vẫn có thể tạo ra nguồn thu lớn cho đông đảo những người kinh doanh.
Tuy các hoạt động giao dịch thương mại, cung ứng dịch vụ bằng phương thức truyền thống hay phương thức thương mại điện tử đều được điều chỉnh bởi pháp luật về thuế hiện hành. Nhưng đến nay ngành thuế vẫn chưa thu được nguồn thuế nào từ hoạt động kinh doanh này.
Điều đó đã tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng khi có không ít cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng không tự giác khai báo, đăng ký và kê khai tự nộp thuế.
Việc thu thuế đối với loại hình kinh doanh buôn bán trên các trang mạng xã hội tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn phải làm và cơ quan thuế hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu quyết tâm thực hiện.
Bài 1: Khó thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội
Hiện nay, sự phủ sóng của internet và điện thoại thông minh đến đông đảo người dân đã và đang tạo ra thời kỳ bùng nổ các giao dịch kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.
Đây là loại hình kinh doanh tiện ích, chi phí đầu tư thấp, không cần thuê mặt bằng nhưng vẫn có thể tạo ra nguồn thu lớn cho đông đảo những người kinh doanh.
Thế nhưng đây còn là hình thức kinh doanh đầy biến ảo, có thể khuất tất những khoản doanh thu không nhỏ, gây khó trong công tác quản lý nhà nước, gây thất thu ngân sách, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các cá nhân và doanh nghiệp với nhau.
Bài toán khó
Theo Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, qua quá trình triển khai việc thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân có tài khoản kinh doanh qua mạng xã hội như facebook, zalo… đến thời điểm này, cơ quan thuế đã khoanh vùng gần 13.500 tài khoản trên địa bàn để tính toán thu thuế. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong số này cơ quan thuế lọc ra khoảng 910 tài khoản có website đã đăng ký. Số còn lại, Cục thuế đã chỉ đạo các Chi cục thuế quận, huyện trên cơ sở rà soát lại các tài khoản theo từng địa bàn, tiến hành gửi thư mời chủ tài khoản lên làm việc. Theo đó, đối với những cá nhân kinh doanh thường xuyên, những doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký kê khai nộp thuế và chỉ sử dụng facebook như một kênh quảng bá sản phẩm thì được loại trừ, vì họ đã thường xuyên thực hiện nghĩa vụ thuế.
Riêng những trường hợp có kinh doanh, giao dịch mua bán thường xuyên, nhưng chưa kê khai, nộp thuế mới là đối tượng để cơ quan thuế rà soát đưa vào diện quản lý. Những cá nhân thỉnh thoảng tham gia bán vài sản phẩm, doanh thu ít thì chưa phải là đối tượng chú ý ở thời điểm này. Bởi theo quy định của pháp luật thuế, những cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và cả lệ phí môn bài.
Mặc dù vậy, theo bà Hương, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng hiện gặp nhiều khó khăn, do các giao dịch chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt nên việc xác định doanh thu, chi phí không hề dễ dàng. Các chuyên gia cũng thừa nhận, với các công cụ và quy định hiện nay, việc tính toán và xác định được mức thuế phải nộp đối với hoạt động bán hàng qua mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như việc nhiều cá nhân đăng ký trên facebook không có tên thật cũng như địa chỉ rõ ràng.
Đặc biệt là những giao dịch thông qua mạng xã hội hoàn toàn không hóa đơn, chứng từ giao dịch giữa người mua và người bán. Hiện nay, cơ quan thuế xác định được các giao dịch kinh doanh trên facebook chủ yếu là qua tương tác trên các trang facebook bán hàng, tuy nhiên có những trường hợp chưa chắc đã tạo thành những giao dịch thành công. Đây chính là trở ngại lớn cho cơ quan chức năng trong việc truy thu thuế. Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc công ty TNHH Luật sư Riêng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các Luật thuế (GTGT, TNDN, thu nhập cá nhân -TNCN) hiện hành, thì các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống) đều phải có nghĩa vụ kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, do hình thức kinh doanh đặc thù là mạng xã hội nên còn chịu sự điều chỉnh của các quy định về thương mại điện tử mà cụ thể là Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013, quy định người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Điều quan trọng ở đây là việc kinh doanh qua facebook, zalo và các ứng dụng điện tử khác không phải là website thương mại điện tử, nên việc xác định đúng đối tượng sử dụng các kênh thông tin mạng để kinh doanh, nhằm xác định đúng người kinh doanh phải nộp thuế là tương đối khó.
Người kinh doanh chưa tự giác kê khai, giấu doanh thu
Thực tế, các chi cục thuế tại Tp. Hồ Chí Minh đã gửi thư mời cho các đơn vị kinh doanh trên facebook với nội dung kê khai đăng ký thuế nhưng đa số người được mời không phản hồi hay liên lạc với cơ quan thuế để làm việc.
Mặc dù, các đơn vị kinh doanh được Cục thuế nhắm đến chủ yếu là các tài khoản có doanh số lớn và chưa khai thuế. Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có thông báo cụ thể thu thuế đối với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội có doanh thu bán hàng từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Theo đó, những trường hợp này sẽ đóng một số lệ phí và thuế gồm lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
Về mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì mức thu là 1 triệu đồng mỗi năm; doanh thu trên 300 – 500 triệu đồng/năm thì mức thu là 500.000 đồng/năm; doanh thu trên 100-300 triệu đồng/năm thì mức thu là 300.000 đồng/năm.
Riêng thuế TNCN, TNDN thì thuế suất áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau, trong đó mức thuế TNCN từ 0,5-5%/doanh thu; mức thuế TNDN từ 1-5%/doanh thu. Tuy nhiên vấn đề khá nhức nhối là khi tiến hành vận động các đơn vị bán hàng qua mạng kê khai nộp thuế thì đa số các trường hợp này đều tìm lý do minh chứng doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm để trốn nghĩa vụ nộp thuế.
Thừa nhận về vấn đề này, chị Lê Thị Quỳnh Ly, chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm trên facebook cho biết, việc tham gia bán hàng trên mạng không tốn nhiều chi phí, không cần thuê mặt bằng nhưng đã giúp chị có thêm thu nhập cao hơn mấy chục lần so với việc làm một nhân viên văn phòng.
Một khi đã gây dựng được tiếng tăm và có lượng khách hàng cũng như đại lý ổn định thì việc kinh doanh càng nhẹ nhàng và doanh thu cao.
Tuy nhiên, các giao dịch của chị với khách hàng không nhiều mà chủ yếu thông qua các đại lý tới lấy hàng và thanh toán tiền mặt thì cơ quan thuế làm sao xác định chính xác được doanh thu nếu người kinh doanh cố tình che giấu. Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ một doanh nghiệp vừa kinh doanh cửa hàng truyền thống vừa kinh doanh trên internet (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, chính sách thu thuế hiện nay của cơ quan thuế là rất hợp lý, nhằm bổ sung nguồn thu cho nhà nước và tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, cá nhân với nhau.
Nhưng phương thức đánh giá của cơ quan thuế hiện nay chủ yếu là sàng lọc các tài khoản có số lượng theo dõi, tương tác trang bán hàng cá nhân lớn vẫn chưa hợp lý mà cần có công cụ hỗ trợ đánh giá theo một chuẩn mực. Chẳng hạn như trong giới kinh doanh trên facebook thời gian qua thường xuyên có những trường hợp tự “nổ” để “câu like”, công khai những hình ảnh, thông tin bán hàng số lượng lớn, doanh thu cao.
Nếu không cẩn thận những đối tượng đó sẽ bị “chết” trước, trong khi đó, có một số đơn vị có doanh thu thật rất cao nhưng họ không đăng công khai thông tin bán hàng thì lại bị “lọt lưới”.
Việt Âu
Theo Bnews/TTXVN