Sự kiện hot
4 năm trước

“Vua hầm” không qua được mắt dân?

Tập đoàn Đèo Cả được biết đến là doanh nghiệp lớn mạnh với nhiều dự án huyền thoại và một vị lãnh đạo có tầm. Nhưng, nhiều nhà đầu tư trên sàn và không ít người dân lại không đồng ý quan điểm này.

Dân không tin....

Tháng trước, tại Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là chủ đầu tư, người dân đã tố giác việc sử dụng đá kém chất lượng.

Trước đó, Công ty Đèo Cả đệ trình đơn vị cung cấp vật liệu cấp phối đá dăm loại I (Dmax 25) và loại II (Dmax 37,5); dùng để gia tải cho gói thầu XL10, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1).

Nguồn đá đạt chuẩn phải lấy từ mỏ đá Thạnh Phú 2 (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), do Công ty Cổ phần Hóa An (Đồng Nai) khai thác. Tuy nhiên, Công ty Khánh Cường sau khi trúng thầu đã không cung cấp đúng loại đá Dmax 25 - theo yêu cầu của chủ đầu tư, trái lại đã thu mua các loại đá kích cỡ khác nhau, rồi đảo trộn thành đá loại I (thay vì đặt hàng cho mỏ Thạnh Phú 2 sản xuất).

Đèo Cả "mắt nhắm mắt mở" để Công ty Khánh Cường là nhà thầu có hành vi phối trộn đá có nhiều kích cỡ khác nhau, không đạt đá tiêu chuẩn loại 1 để cung cấp cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận? Ảnh: MĐ.

Gian lận vật liệu xây dựng là lỗi của nhà thầu nhưng thực tế, loại đá trên vẫn lọt qua khâu kiểm tra, tập kết về công trường, thậm chí đã được dùng để gia tải cho gói thầu XL10. Đó lại là lỗi của chủ đầu tư.

Chiều 6/4, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương -  Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) đã đình chỉ vai trò cung cấp nguyên liệu đầu vào đối với Công ty Khánh Cường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án cũng cảnh cáo đối với Ban điều hành gói thầu XL-10, thành viên giám sát trưởng. Đồng thời, doanh nghiệp dự án cũng thay thế giám sát viên do chưa tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng dự án và tạm đình chỉ toàn bộ công việc nhập vật liệu cấp phối đá dăm loại 1 cho dự án đối với mỏ Thạnh Phú 2 cho đến khi chứng minh được dây chuyền, công nghệ sản xuất.

Sự việc trên được người dân sớm phát hiện nên chất lượng công trình không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, năng lực quản lý giám sát của chủ đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cũng cần phải chỉnh đốn lại. 

Dễ nhận thấy, nhiều dự án nằm trong hệ thống quản lý của Tập đoàn Đèo Cả được người dân quanh khu vực quan tâm đặc biệt. Cũng tầm này năm ngoại (tháng 2, 3 năm 2019), nguời dân cũng đã đếm lượt xe qua lại tại một trạm của Tập đoàn Đèo Cả.

Người dân không tin tưởng báo cáo của Đèo Cả về số lượt phương tiện giao thông qua lại tại Trạm BOT Ninh Lộc. Ảnh Internet

Theo thông tin phản ánh, từ ngày 26/2 đến 4/3, có khoảng 10 người dân thay phiên nhau ngồi gần Trạm BOT Ninh Lộc để đếm lượt xe qua lại cả hai chiều. Mục đích nhằm minh bạch số lượt phương tiện qua trạm, cũng như con số thực thu của BOT Ninh Lộc. Bởi họ nghi ngờ việc báo cáo không đúng lượt phương tiện qua trạm và số tiền thu được lên Bộ GTVT nhằm kéo dài thời hạn thu phí. 

Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả thì báo cáo Công an thị xã Ninh Hòa. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nói sẽ mời cơ quan công an vào cuộc nếu nhóm người dân có hành động gây khó dễ, gây rối. Cũng thời điểm đó, thậm chí nhiều người khẳng định chỉ đếm xe và đeo chứng minh thư trên áo. Chính thái độ đe nẹt người dân của Tập đoàn Đèo Cả và một số đơn vị liên quan khiến cho công chúng càng thêm nghi ngờ.

.....và đó là góc khuất của "Vua hầm"?

Việc dự án bị tráo đá thi công hay người dân không tin tưởng con số trên giấy tờ của doanh nghiệp tưởng như chuyện nhỏ với dự án nhỏ. Thế nhưng, đối với dự án tầm quốc gia và của chủ đầu tư từng làm những cung đường huyền thoại thì đó không còn là chuyện nhỏ. Vấn đề ở chỗ, nếu người dân không phát hiện được sự việc trên và không lên án thì chỉ có nhà thầu biết, chẳng lẽ chủ đầu tư lại không biết khi đó không phải việc “lỗ kim”?

Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả được biết đến là một thương hiệu lớn, một nhà đầu tư hàng đầu của cả nước về hạ tầng giao thông. Doanh nghiệp tự tin khi có đội ngũ cán bộ chủ chốt, kỹ sư chuyên ngành tâm huyết, đầy trách nhiệm và năng lực sáng tạo với nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, doanh nhân Hồ Minh Hoàng, được biết đến là người đứng đầu có tư chất và năng lực vượt trội, xuất chúng. Trên thực tế, nghị lực, trí tuệ, phong cách của ông đã hội tụ được nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều cán bộ, kỹ sư giỏi, đồng thời luôn đổi mới nâng cao năng lực quản trị…

Nhờ nhà lãnh đạo có tầm mà Đèo Cả vượt qua nhiều thử thách khó khăn, giải cứu và thực hiện thành công những dự án, công trình giao thông có tầm vóc lớn, những cung đường huyền thoại dọc đường thiên lý Bắc Nam. Có thể dễ nhận thấy, các dự án trọng điểm quốc gia và đều gắn với danh hiệu “vua” đào hầm nước Việt.

Biệt danh "vua hầm" xuất phát từ việc ông Hồ Minh Hoàng đã đào hầm đường bộ Đèo Cả xuyên núi hiện đại, mà trước đó chúng ta chỉ có trông cậy vào công nghệ và trình độ của nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Đèo Cả đang tự đánh mất uy tín dù mới ở sàn Upcom

Đèo Cả còn xây dựng Hầm đường bộ Cù Mông, Hải Vân 2. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn được lựa chọn làm nhiệm vụ giải cứu các dự án đã bị vỡ trận, như Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Doanh nghiệp Đèo Cả được giới xây dựng cầu đường đánh giá cao ở giá trị thanh quyết toán của các công trình sát với giá thị trường. Mỗi khi bắt đầu hình thành dự án, trước khi thẩm định, phê duyệt dự án và khi dự án đã hoàn thành một số các hạng mục, Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả đều tổ chức kiểm toán nội bộ và mời kiểm toán Nhà nước xác định giá trị thực.

Còn nhớ, từ Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (ra đời vào những năm 1985). Ông Hồ Minh Hoàng đã chú trọng vào việc mở rộng quan hệ đối tác, thực hiện thành công các dự án xây dựng, ngành mộc và xây lắp điện tại tỉnh nhà Phú Yên. Nhờ sự giúp sức từ phía chính quyền địa phương, đối tác - khách hàng mà thương hiệu Hải Thạch được nhiều người biết đến cho đến tận bây giờ.

Và từ năm 2008 - 2018 chính là giai đoạn ghi nhận nhiều thay đổi phát triển, những bước đi có thể xem là đột phá của Hải Thạch nói riêng và Tập đoàn Đèo Cả. Năm 2015 - 2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Nhận thức về một thế giới năng động và đa chiều, từ tháng 5/2018, SBRC chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả. 

Theo đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã thực hiện tái cấu trúc để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh ở quy mô khu vực và quốc tế. Hiện Tập đoàn Đèo Cả đang hoạt động theo hình thức Công ty mẹ – con, gồm 22 công ty thành viên chia thành 5 khối ngành nghề chính như: Khối doanh nghiệp đầu tư, khối doanh nghiệp dự án, khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khối doanh nghiệp dịch vụ và khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nhìn lại quá trình phát triển cũng như những thành công của Đèo Cả thời gian qua thì khó có thể tin được lại có những sai xót không đáng có như để nhà thầu gian lận vật liệu, người dân nghi ngờ đi đếm lượt xe qua trạm BOT... 

Đó là điều đáng tiếc với Đèo Cả bởi, trên chặng đường của một doanh nghiệp tầm quốc gia và vươn ra thế giới, có lẽ không nên chỉ tập trung tạo uy tín từ cơ quan cấp cao, nhà đầu tư hay lãnh đạo cấp tỉnh mà quan trọng nhất vẫn là niềm tin của người dân!

Được biết, đến nay, xác định thay đổi để tồn tại và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục tái cấu trúc hướng tới “3 nhất”. Đó là, “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất; Tổng thầu mạnh nhất và Nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nhất”.

Ở mục tiêu Nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, công ty của Tập đoàn Đèo Cả tưởng thành công nhưng lại được cho là đã thất bại lớn trên thị trường chứng khoán. 

Thảo Vy - Mộc Trà
Theo Reatimes

Từ khóa: