Sở GTVT vừa trình UBND TPHCM dự thảo quyết định điều chỉnh các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí. Tờ trình lần này có “nới” hơn so với lần trước (lần trước chỉ có 97 tuyến đường cho phép giữ xe trên vỉa hè, tờ trình lần này có 119 tuyến) nhưng so với nhu cầu của người dân thì như... muối bỏ biển. Chủ trương trả lại vỉa hè, lòng đường cho giao thông được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với đặc thù của một đô thị lớn như TPHCM, việc này liệu có khả thi hay không, trong khi các giải pháp thay thế như bãi đậu xe ngầm, nhà đậu xe cao tầng vẫn chưa có?
Đường Hàm Nghi, một trong 55 tuyến đường ở quận 1 - TPHCM, được đề xuất cho phép sử dụng vỉa hè để đậu xe. Ảnh: TẤN THẠNH
Rất hiếm cao ốc đủ chỗ để xe
Khu vực trung tâm TPHCM tập trung rất nhiều cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng… Tuy nhiên, khá nhiều nơi có diện tích giữ xe rất nhỏ so với nhu cầu, thậm chí một vài nơi “quên” xây bãi giữ xe. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các công ty thuê văn phòng tại tòa nhà Petrovietnam Tower (đường Lê Duẩn, quận 1) đều phải gửi xe tại bãi xe Thảo Cầm Viên. Chị Liên (ngụ quận 4) cho biết: “Với quy mô 20 tầng, tòa nhà có 2 tầng hầm để xe nhưng chỉ giữ ô tô của lãnh đạo. Xe của nhân viên được công ty đăng ký vé tháng ở Thảo Cầm Viên”. Một nhân viên của bãi giữ xe Thảo Cầm Viên cho biết tại đây trông giữ hơn 500 xe cho nhân viên tòa nhà Petrovietnam Tower và một lượng lớn xe của khách hàng đến giao dịch mỗi ngày. “Có lần tôi đến khách sạn Continential để dự hội thảo nhưng khách sạn không giữ xe, tôi phải chạy lòng vòng tìm chỗ gửi xe mất gần 30 phút. Lần nào đến các khách sạn lớn hoặc cao ốc trong trung tâm TP, tôi cũng nơm nớp lo sợ chuyện gửi xe. Không gửi chẳng lẽ vứt xe, thế nên tìm được chỗ nào, dù mắc nhưng cũng phải gửi để còn đi lo công việc của mình” - chị Huỳnh Thanh Xuân, nhân viên một công ty kinh doanh nhà đất, bức xúc.
Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng tại 79 công trình, cao ốc trong khu vực trung tâm TPHCM, chỉ có 14 công trình đủ chỗ để xe, 59 công trình không đủ diện tích để xe và 6 công trình không có chỗ để xe. Điều đáng nói, các công trình không đủ chỗ để xe đều là những nơi tập trung rất đông người, chẳng hạn như khách sạn Legend, cao ốc văn phòng 29 Tôn Đức Thắng, Petrovietnam Tower, Diamond Plaza, Parkson Lê Thánh Tôn, cao ốc Mê Linh, cao ốc văn phòng 35 Nguyễn Huệ, tòa nhà Sun Wah, khách sạn Norfolk, khách sạn Kim Đô, khách sạn Majestic…
Chung cư cùng chung số phận
Các khu chung cư ở trung tâm TPHCM được xây dựng cách đây hơn chục năm thường không có tầng hầm giữ xe khiến người dân khổ trăm bề. Điển hình là chung cư 137 Bùi Hữu Nghĩa (phường 7, quận 5), chung cư này được xây dựng trước năm 1975 và chỉ có 2 dãy nhà, hoàn toàn không có bãi giữ xe. Các hộ dân ở tầng trệt “dễ thở” hơn vì để xe trong nhà, còn các hộ dân khác phải vất vả tìm chỗ gửi xe nơi khác. Bà Phạm Thị Đào Viên, trưởng Ban Quản lý chung cư, cho biết nơi đây không có chỗ để xe, trước đây con hẻm dẫn vào chung cư được sử dụng làm bãi giữ xe nhưng phường không cho phép vì đó là lối thoát hiểm duy nhất, đề phòng xảy ra hỏa hoạn, vì vậy người dân phải tự gửi xe ở các bãi xe Bệnh viện Nguyễn Trãi, rạp hát Đống Đa… “Một số bãi giữ xe quy định giờ mở cửa trễ khiến các cháu đi học buổi sáng thường xuyên bị trễ học, chưa kể trời mưa người dân vẫn phải đi bộ ra bãi giữ xe nên rất cực” - bà Viên cho biết.
Tương tự, khu dân cư Miếu Nổi (6 tầng, phường 3, quận Bình Thạnh) cũng không có tầng hầm, người dân tận dụng góc cầu thang và khoảng trống ở tầng trệt để giữ xe. Ông Nguyễn Văn Hùng ở lầu 3, lô B, cho biết nhiều lúc về trễ không còn chỗ để xe nên ông phải đi qua khu chung cư Miếu Nổi (mới xây, cách khu dân cư Miếu Nổi cũ khoảng 500 m)
để gửi rồi đi bộ về. Một số hộ dân phải đi qua chung cư 67 Đinh Tiên Hoàng để gửi nhờ. Bà Lê Bạch Mai ở tầng trệt, lô B, khu dân cư Miếu Nổi, bức xúc: “Nhà tôi có 6 chiếc xe nhưng phải đem 4 chiếc đi gửi ở những chỗ khác với giá 70.000 đồng/tháng/xe thường, 100.000 đồng/tháng/xe tay ga. Hằng tháng tốn hơn 300.000 đồng tiền gửi xe mà còn tốn rất nhiều thời gian để
đi lại”.
Không chỉ có những khu chung cư chúng tôi vừa kể, nhiều khu chung cư khác như chung cư Ngô Gia Tự (phường 3, quận 10), chung cư 136 Nguyễn Tri Phương (phường 9, quận 5)… người dân cũng nhọc nhằn trăm bề trong việc tìm chỗ gửi chiếc xe của mình. Theo số liệu thống kê của quận 5, chỉ tính riêng trên địa bàn quận đã có đến 247 chung cư cũ không có tầng hầm để xe.
Gửi xe ở chợ cũng khó
Có mặt tại chợ Tân Bình (phường 8, quận Tân Bình) từ sáng sớm nhưng chúng tôi vẫn khó nhọc chen chân vào dòng người đang ùn ùn đổ về. Lớp lớp xe nối đuôi nhau xếp hàng dài để gửi xe vào chợ. Đến 8 giờ, bãi giữ xe trước cổng chợ đã chật cứng và không thể nhận thêm. Mặc dù chúng tôi năn nỉ chỉ vào chợ trong chốc lát nhưng nhân viên giữ xe vẫn cương quyết lắc đầu. Trên địa bàn quận 5, một số chợ được xây dựng trước năm 1975 nên cũng không có bãi giữ xe như thương xá Đồng Khánh (đường Trần Hưng Đạo B), chợ vật liệu xây dựng (đường Trịnh Hoài Đức)…
|