Phương án xử lý vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của danh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được các bộ, ngành thảo luận để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về nội dung này trình Chính phủ.
|
|
Ai là người quyết định chủ trương đầu tư
Đây là câu hỏi đang khiến một số dự án đầu tư kinh doanh có mức vốn dưới 5000 tỷ đồng được cho là đang bị "tắc" tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), sau khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nộp lên. Trong số này có Dự án đường dây 500 kv Vân Phong – Vĩnh Tân.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án này để đẩy nhanh tiến độ, nhưng vướng mắc vẫn chưa được giải xong.
Thứ nhất, Luật Đầu tư cũng như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban đối với các dự án nêu trên.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư, UBND cấp tỉnh (nơi nhà đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án) là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án.
Tuy nhiên, trong trường hợp dự án thực hiện tại nhiều địa phương khác nhau (như các dự án xây dựng đường dây truyền tải điện…), thì Ủy ban gặp vướng mắc trong việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đó là chưa kể một số địa phương lo ngại về năng lực trong việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án chuyên ngành, quy mô lớn...
Thứ ba, theo quy định của Luật số 69 và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, đối với một số dự án có quy mô nhất định, Ủy ban có trách nhiệm “phê duyệt” để Hội đồng thành viên ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, Luật số 69 cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này đều không quy định nội dung “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Phê duyệt là “phê duyệt” nào?
Ngay khi tìm phương án cho các dự án như Dự án đường dây 500 kv Vân Phong – Vĩnh Tân, Ủy ban cũng đã đề nghị xác định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án nêu trên.
Ủy ban cũng đã đề nghị hướng dẫn cụ thể về các nội dung “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các dự án đầu tư được quy định tại Điều 42 và 44 Luật số 69.
Cũng phải nói thêm Luật Đầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh; trong khi đó, Luật số 69 quy định thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc "phê duyệt dự án" của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Mục đích, tính chất, trình tự, thủ tục "quyết định chủ trương đầu tư" theo quy định của Luật Đầu tư và "phê duyệt dự án" theo quy định của Luật số 69 là khác nhau.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư là nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Còn việc phê duyệt dự án theo Luật số 69 là nhằm chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện sở hữu trong việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và là cơ sở để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư.
Quy định như vậy phù hợp với nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Nhưng chính vì vậy, việc giao Ủy ban quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không phù hợp với quy định của cả hai luật trên.
Phương án gỡ rối
Thủ tục lập dự án, quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp nêu trên đang được bàn thảo theo thẩm quyền, trình tự sau.
Thứ nhất, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhóm A, doanh nghiệp phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp báo cáo, xin ý kiến Ủy ban trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thứ hai, trình cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định chủ trương đầu tư
Doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để tổ chức thẩm định, trình Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền tại Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án nhóm A, doanh nghiệp thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành sẽ chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến UBND cấp tỉnh nơi dự án có sử dụng đất để xây dựng công trình.
Trường hợp trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành của tập đoàn, tổng công ty không đặt tại một trong các địa phương dự kiến thực hiện dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND cấp tỉnh của một trong các địa phương nơi thực hiện dự án quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư trên cơ sở đề xuất của Ủy ban.
Đối với dự án sản xuất, truyền tải, phân phối điện có tính chất chuyên ngành, phức tạp, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, nhưng UBND cấp tỉnh không đủ năng lực thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư.
Thứ ba, phê duyệt dự án, quyết định đầu tư
Sau khi dự án được cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định chủ trương đầu tư, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền tại Điểm a Khoản 1 Điều 24 Luật số 69.
Đối với dự án quy định tại quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật số 69, Ủy ban có trách nhiệm phê duyệt dự án với chức năng là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư theo thẩm quyền, điều kiện của Luật số 69, Luật Xây dựng, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP.
Ủy ban đang đề xuất thẩm quyền quyết định đầu tư với Dự án Đường dây 500 kv Vân Phong – Vĩnh Tân do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là doanh nghiệp cấp 2 thuộc EVN làm Chủ đầu tư.
Các phương án đang được các bộ, ngành thảo luận, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về tháo gỡ trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban.
Khánh An
Theo Báo Đầu tư