Sự kiện hot
7 năm trước

Bản Cát Cát - sức hấp dẫn đến lạ kỳ.

Với những nét độc đáo của một bản làng vùng cao Tây Bắc, Cát Cát từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi du lịch Sapa

Bản Cát Cát hay thôn Cát Cát là một ngôi làng nhỏ nằm cách thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) 2 km, người dân chủ yếu sống ở đây là người Mông, nằm bình yên bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa) trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ.

Với những thắng cảnh thiên nhiên cùng nét đẹp trong văn hóa người Mông nơi đây đã tạo nên cho Cát Cát một sức hấp dẫn đến lạ kỳ thu hút du khách đi du lịch Sapa ghé thăm ngôi làng này.

Trung tâm Cát Cát là nơi hội tụ của 3 dòng suối ngày đêm rì rào: suối Vàng, suối Bạc và suối Tiên Sa cùng ngọn thác Cát Cát ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Hai chiếc cầu treo là cầu A Lứ và cầu Si nằm ngay cạnh thác hàng ngày thu hút rất đông các du khách gần xa tới đây tham quan và chụp ảnh kỷ niệm.

Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, Cát Cát ẩn mình, e ấp dưới sự bao bọc của mẹ thiên nhiên. Cả một màu xanh của đồng ruộng, núi đồi bao trùm lên khắp bản, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà nhỏ bé của những người dân sinh sống. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tràn đầy màu sắc mà cũng không kém phần thơ mộng.

Vẻ đẹp thiên nhiên Cát Cát

Những bông hoa nhiều màu sắc trên khắp các con đường, khắp bản làng đã tô điểm thêm vẻ lãng mạn của Cát Cát. Cát Cát đã đẹp nay còn đẹp và lung linh sắc màu hơn, đến với Cát Cát như đang đến với xứ sở thần tiên mà không vị khách nào muốn ra khỏi xứ sở.

Khi chiều buông trên bản Cát Cát

Khi màn đêm bao trùm ngôi làng nhỏ nhắn mang tết Cát Cát cũng là lúc ánh sáng của đèn điện được thắp sáng. Ánh đèn vọng xuống dòng nước trắng xóa tạo cảm giác lung linh thơ mộng, gần gũi đến lạ kỳ.

Những ngôi nhà nhỏ nhắn của bản Cát Cát 

Kiến trúc nhà cửa của người Mông làng Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.

Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Đến bản Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. 

Với những nét độc đáo riêng vốn có của một bản vùng cao Tây Bắc, Cát Cát lâu nay đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Sa Pa.

Ảnh V. Hưng
Chu Hằng

Từ khóa: