Sự kiện hot
11 năm trước

Bán hàng online: Cuộc đua của các doanh nghiệp

Từ 2010 đến nay, kinh tế Việt Nam cùng với thế giới rơi vào giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh đó, người ta tìm đến những phương thức kinh doanh tiết kiệm chi phí. Bản thân người mua cũng cân nhắc mua hàng sao cho tiết kiệm nhất. Hơn lúc nào hết, thương mại điện tử được ưu tiên hơn cả.


Trang web thương mại của Thegioididong

Thay đổi phương thức kinh doanh

Gần chục năm lại đây, trao đổi trên mạng trở thành xu hướng của nhiều nhà phân phối và tiêu dùng hàng hóa, hình thành thói quen "chợ online".

Hầu hết các doanh nghiệp phân phối đều có website giới thiệu hàng hóa. Một số các mô hình mới, như các trang web cung cấp công cụ phục vụ người mua như aha.com, vat gia.com… giúp người tiêu dùng chỉ cần ngồi một nơi, có thể đánh giá sản phẩm, biết được những cửa hàng nào cùng bán một mặt hàng và ở đâu rẻ nhất…và hơn hết, mô hình này được số đông mọi người sử dụng.

Rất nhiều những doanh nghiệp lớn đã tìm cách chuyển dịch sang kinh doanh trực tuyến như FPT, Viettel hay các công ty vốn có nhiều năm kinh nghiệm làm thương mại điện tử như Thegioididong cũng tuyên bố, sẽ đầu tư mạnh tay hơn cho thương mại điện tử.

Chỉ sau 2 năm, có tới gần 100 doanh nghiệp kinh doanh loại hình thẻ giảm giá, voucher, mua theo nhóm, hay mô hình khuyến mại giảm giá sốc, đó là chưa kể tới các website khác không đăng kí kinh doanh.

Bão giá và túi tiền của các “Thượng đế”


Các siêu thị đưa ra các khuyến mãi lớn nhằm kích cầu

Khi các doanh nghiệp dần tìm đến những phương thức kinh doanh tiết kiệm chi phí, bản thân người tiêu dùng cũng cân nhắc mua hàng sao cho tiết kiệm nhất, hơn lúc nào hết, thương mại điện tử được ưu tiên xem xét hơn cả.

Có thể thấy rằng, không phải giá thành sản phẩm tăng cao là lý do khiến người dùng giảm sức mua, mà do túi tiền của họ dần bị thắt chặt. Trước đây, bạn có thể mua một sản phẩm dù nó không thực sự cấp thiết, còn bây giờ, bạn sẽ phải cân nhắc và đắn đo trước khi mua về. Với tâm lý này, những mặt hàng vốn có thể cần thiết, trở nên không thiết yếu, và những mặt không cần thiết, trở nên vô cùng xa xỉ. Sự lo ngại này đã kéo theo sự dè dặt trong chi tiêu, nó ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ hiện tại và điều đó khiến các doanh nghiệp trở nên khó khăn khi tiếp tục phải chịu nhiều khoản chi phí và dòng vốn không thể lưu thông.

Các doanh nghiệp buộc phải đưa ra các gói khuyến mãi “sốc” – tất cả đều phải giảm giá mới cạnh tranh và vô hình tạo, sức ép lên các doanh nghiệp tương tự khiến họ phải giảm giá theo; hoặc các doanh nghiệp phải cắt giảm các khoản chi tiêu; hoặc là mở rộng phạm vi bán sản phẩm đến các tỉnh thành trong và ngoài khu vực, để có thể đứng vững trong khi kinh tế còn chưa phục hồi và sức mua của người dân chưa được cải thiện.

Cuộc đua của các doanh nghiệp

Kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu, doanh số nhiều siêu thị giảm, bên cạnh đó ngày càng có thêm doanh nghiệp mới kinh doanh siêu thị, khiến cho cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và các siêu thị phải chào giá đến tận từng gia đình để giành khách.

Mới đây, Big C Việt Nam chính thức ra mắt trang thương mại điện tử mua sắm mới, đây cũng là trang thương mại điện tử đầu tiên được hình thành dựa trên hệ thống siêu thị của Tập đoàn phân phối bán lẻ Groupe Casino (Pháp, công ty mẹ của Big C). Hiện website cung cấp 7.000 sản phẩm, với 4 nhóm ngành chính như: công nghệ, nhà cửa và đời sống, sắc đẹp và sức khỏe, mẹ và bé…vv.,.vv... Theo đại diện siêu thị này, cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, nên trang thương mại điện tử này không dễ dàng một sớm một chiều hoàn vốn. Tuy nhiên, họ sẽ có thêm nhiều khách hàng mới và thị phần sẽ vươn xa hơn. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu, trở thành một trong những trang thương mại điện tử Việt Nam hàng đầu trong 2 năm tới. Nếu mô hình phát triển tốt, siêu thị sẽ mở rộng kinh doanh theo hình thức này tại Thái Lan và Campuchia.

Saigon Co.op đã đẩy mạnh xu hướng online sớm hơn Big C, tuy nhiên chưa được nhiều người biết đến, vì tỷ lệ mua hàng trực tuyến thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống. Kênh bán hàng trực tuyến của Saigon Co.op ra đời từ tháng 6/2012, nhưng đến nay sức mua vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong doanh thu của toàn hệ thống. Ngoài ra, đơn vị này còn cho ra đời một kênh bán hàng qua truyền hình. Đại diện của Saigon Co.op cho biết, sức mua thông qua kênh này tăng khoảng 40% mỗi năm. Sắp tới Saigon Co.op sẽ đầu tư mạnh hơn, bởi đây là xu hướng phổ biến trong tương lai.

Các trung tâm điện máy, di động cũng không bỏ lỡ cơ hội chen chân vào thương mại điện tử. Đầu tư bài bản nhất là Thế Giới Di Động. Năm 2013, doanh thu của Thế Giới Di Động là 7.822 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với doanh thu và lợi nhuận năm 2012. Trong đó, lợi nhuận đến từ mảng thương mại điện tử chiếm 15%.

Ban đầu, công ty tìm cách thu hút khách bằng cách giảm giá 3-5% cho khách mua trực tuyến. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, giờ đây khi khách hàng quen với việc chọn mua hàng trên mạng thì giá bán online hay tại cửa hàng đều ngang nhau. Hiện nay, Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ duy nhất có phiên bản dành riêng cho mobile.

"Bán hàng online chính là xu hướng, dù có đóng cửa 50% siêu thị, chúng tôi cũng phải làm cho được hệ thống bán hàng online này”, ông Tài nói.

Thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu, buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình để bắt kịp với hình thức kinh doanh nếu không muốn mất thị trường. Rõ ràng, đối với các nhà kinh doanh thì thương mại điện tử mang lại nhiều cái lợi to lớn hơn là hình thức bán hàng truyền thống trước kia. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cũng cần lưu ý chất lượng, giá cả sản phẩm, hay dịch vụ của doanh nghiệp, để giữ và thu hút khách hàng, nếu không phương thức kinh doanh này cũng không thể đem lại lợi thế cho doanh nghiệp.

Dương Nhung

Từ khóa: