Hiện đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Tại Việt Nam, ước tính có gần 300.000 người mong muốn chuyển giới, tuy nhiên điều kiện 18 tuổi mới được chuyển giới đang khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Tại Việt Nam, hiện có gần 400.000- 500.000 người mong muốn chuyển giới. Hầu hết những người có mong muốn chuyển đổi giới tính vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế)
Ông Quang cho hay, Vụ Pháp chế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính hiểu về những tác động của việc chuyển đổi giới tính và thực hiện một cách tự nguyện.
Theo Dự thảo Luật, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Đưa ra quan điểm, ông Cianan B.Rusell - Cán bộ mảng nhân quyền và vận động chính sách cho rằng, các trở ngại pháp lý liên quan tới việc đáp ứng các điều kiện của quá trình thừa nhận giới tính mới khá phổ biến như quy định về độ tuổi, tình trạng hôn nhân và các điều kiện can thiệp y học.
Theo đó, trẻ em chuyển giới đã có thể xác định giới tính của bản thân khá sớm từ khi mới 2-3 tuổi, nhiều trẻ dậy thì trước 18 tuổi. Do đó, ông Cianan cho rằng, nếu yêu cầu độ tuổi cho người chuyển giới là 18 mới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong quá trình định giới đẩy trẻ em chuyển giới phải trưởng thành sớm về mặt cơ thể mà không phát triển đồng đều và lành mạnh với bản dạng giới của họ. Áp lực tâm lý, bức bối vì không được sống với đúng giới tính khiến họ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường, nghỉ học sớm và thậm chí là tự tử.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, người chuyển đổi giới tính phải tự chịu trách nhiệm về quyết định chuyển giới của mình. Do đó, quy định độ tuổi 18 ở Việt Nam là hợp lý để lúc đó, một người trưởng thành về mặt sinh lý, có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về sự thay đổi liên quan đến thân thể của mình.
Ông Quang cũng cho biết, Việt Nam chưa không công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, quy định về độc thân mới được công nhận chuyển đổi giới tính phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức và pháp luật về hôn nhân của Việt Nam.
Thảo Nguyên
Theo Công lý