Bản tin nông sản hôm nay sẽ có những nội dung đáng chú ý sau: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản kỳ vọng sẽ vượt xa mục tiêu; Chuẩn bị nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu cao su; Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế rừng...
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu dùng bò thịt
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chăn nuôi trong nước đã có những liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đến người tiêu dùng),... Chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn và bò sữa đã có nhiều chuỗi liên kết khép kín, chuỗi này do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến như Công ty CP Việt Nam, Jappfa, De Heus, GreenFeed, Vinamilk, TH Truemilk…
Tuy nhiên, chăn nuôi bò thịt chủ yếu vẫn còn trong nông hộ, chưa có hoặc bước đầu hình thành liên kết sản xuất.
Đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, hiện nguồn cung trong nước không đủ cầu khi 60% nhu cầu tiêu thụ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong chiến lược phát triển sản xuất và thị trường thịt bò 10 năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt để đến năm 2030 đạt trên 10% thịt bò trong tổng sản lượng thịt các loại (hiện là 7,4%). Cùng đó, số lượng và giá trị thương mại thịt bò trên thế giới những năm tới tới có xu hướng tăng. Đây là cơ hội để chăn nuôi bò thịt trong nước mở rộng sản xuất.
Theo định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết; tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt tương ứng khoảng 70%; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được đưa vào sơ chế, chế biến công nghiệp so với tổng sản lượng thịt đạt từ 50% vào năm 2030.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản kỳ vọng sẽ vượt xa mục tiêu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.
Trong số này, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; nhóm đầu vào sản xuất đạt 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%; riêng nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 176 triệu USD, giảm 15,9%.
Điển hình như cà phê tăng gần 22% khối lượng và gần 50% giá trị; cao su cũng có mức tăng tương ứng là trên 9% và trên 12%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng trên 13% và 28%. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm mạnh ở mức 19%, đạt 125 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng gần 41% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 14%.
Dù không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số như mọi năm, nhưng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 3% và ước đạt 9,1 tỷ USD.
Tín hiệu tích cực từ các thị trường giúp tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này có được bên cạnh sự tăng về khối lượng đã có sự gia tăng về giá xuất khẩu ở nhiều sản phẩm. Ngành nông nghiệp đang kỳ vọng xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu mới này, ngành sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao.
Chuẩn bị nguồn nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu cao su
Theo thống kê hải quan, trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su ước đạt 1,54 tỷ USD, sản lượng 772.000 tấn, tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin từ Hiệp hội cao su Việt Nam, giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2022 đạt gần 1.700 USD/tấn. Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000 ha; trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, trong khi nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn. Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn.
Để ngành cao su Việt Nam tiếp bước phát triển, trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su chú trọng.
Chính vì vậy, song song với vườn cao su hiện hữu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su đã có chiến lược liên kết chặt chẽ với các hộ trồng cao su tiểu điền, thu mua nguyên liệu mủ cao su với giá cao hơn thị trường 5% đến 10%.
Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế rừng
Thành phố Hà Nội có hơn 11.000ha rừng đặc dụng, hơn 5.800ha rừng phòng hộ, 10.332ha rừng sản xuất và đất lâm nghiệp phân bố ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, xu hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương này ngày càng cao đang tạo sức ép lên rừng và đất lâm nghiệp.
Việc làm giàu từ rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển các loại hình kinh tế lâm nghiệp cũng như đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan như: Bão, lũ lụt, hạn hán… Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên phân tích, trên cơ sở thực tế 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), thành phố sẽ có định hướng và cơ chế chính sách phát triển kinh tế rừng khác nhau. Chẳng hạn, với rừng phòng hộ sẽ tập trung làm tốt việc khoanh nuôi, bảo đảm đa dạng sinh học. Đối với rừng trồng, hướng tới trồng các loại cây gỗ lâu năm để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; hỗ trợ người trồng rừng về vốn, giống...
Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Sở NN&PTNT Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng độ che phủ rừng từ 5,67% (hiện nay) lên 6,2%; nâng mức thu nhập trên đất lâm nghiệp từ 15 triệu đồng/ha/năm lên 40 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều trái cây Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, EU, Nhật, Hàn
Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đang đàm phán với các thị trường lớn để mở cửa, xuất khẩu chính ngạch hàng loạt trái cây. Dự kiến cuối năm nay, nhiều loại nông sản như nhãn, bưởi, sầu riêng, dừa, chanh...sẽ chính ngạch xuất sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc...
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, hiện nay Bộ NN&PTNT đang bước vào giai đoạn cuối cùng trong việc đàm phán với các thị trường lớn trên thế giới.
Theo đó, đối với thị trường Nhật Bản, theo cam kết của chính phủ 2 nước, đến tháng 9 sẽ mở cửa cho quả nhãn Việt Nam sang thị trường này. Hiện, hai bên thống nhất phần kỹ thuật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện dự thảo xuất khẩu và chính thức công bố kết quả.
Đối với thị trường Mỹ, ông Trung cho biết, hai nước đã hoàn tất các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi. Trong tháng 7, đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ sang Việt Nam, cùng với Cục Bảo vệ thực vật và các nhà máy chiếu xạ trên cả nước thống nhất liều lượng chiếu xạ đối với trái bưởi.
Đối với thị trường Trung Quốc, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đến nay cục đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư đối với trái sầu riêng, đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký rồi gửi lại phía Bộ NN&PTNT Việt Nam. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất thời gian công bố. Đối với quả chanh leo, Trung Quốc đang đề nghị nhập khẩu theo hình thức tạm thời giống như quả ớt, dự kiến bắt đầu từ tháng 7.
Tiến Hoàng/KTDU