Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 15/6: Nông nghiệp hữu cơ cần “mưa dầm thấm lâu”

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng vọt; Lục Ngạn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản gắn với du lịch cộng đồng; Giải pháp để xuất khẩu xoài bền vững; nông nghiệp Tây Nguyên, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững...

Nông nghiệp hữu cơ cần “mưa dầm thấm lâu”

Nông nghiệp hữu cơ hội nhập thị trường

TP Cần Thơ là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm ở ĐBSCL, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cũng được địa phương này quan tâm và đẩy mạnh khuyến cáo áp dụng. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện TP Cần Thơ mỗi vụ có gần 80 nghìn ha canh tác lúa, cây ăn trái trên 23,5 nghìn ha và gần 3.000ha đất nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, nhìn chung tình trạng nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học vẫn còn nhiều, do vậy việc sản xuất NNHC còn rất hạn chế.

Việc sản xuất NNHC hiện nay đang được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống con người.

Hiện nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đang khuyến cáo nông dân và các trang trại sản xuất theo hướng NNHC để đạt theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP…, bên cạnh đó một số doanh nghiệp đầu tư về NNHC đã mạnh dạn loại bỏ sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất, thay vào đó sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc hữu cơ sinh học. 

Tuy nhiên, sản xuất NNHC cần phải có nguồn nguyên liệu phân bón hữu cơ sinh học và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi theo cơ chế tự nhiên. Nông dân phải biết tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng hay vật nuôi, vừa giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho cộng đồng và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Để sản xuất NNHC đem lại hiệu quả cao, không có con đường nào khác là phải xây dựng mã số vùng trồng, thay đổi tư duy sản xuất từ phân bón, thuốc BVTV hóa học sang hữu cơ sinh học, xây dựng chuỗi Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông nghiệp Tây Nguyên, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững

Thành Lập Diễn Đàn Đổi Mới Sáng Tạo Khu Vực Tây Nguyên
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ ký kết. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN.)

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo để hỗ trợ sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành nông nghiệp, chế biến nông sản tại khu vực Tây Nguyên, Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên với UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum là một trong những sáng kiến trong chương trình đối tác giữa Bộ Ngoại giao và thương mại Australia, Tổ chức CSIRO với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Diễn đàn sẽ thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các viện nghiên cứu, trường đại học và các bên liên quan trong việc đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh thương hiệu vùng miền của các chuỗi giá trị xuất khẩu chủ lực, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được Chính phủ Việt Nam xác định là chìa khóa giúp tăng khả năng chống chịu và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Văn Tùng hy vọng các tỉnh Tây Nguyên có thể tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia và tạo nên một điển hình về diễn đàn cụm khu vực, nơi tạo ra các ý tưởng sáng tạo và giải pháp hữu ích cho những thách thức chung, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị của các sản phẩm nông sản.

Lục Ngạn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản gắn với du lịch cộng đồng

Ngày 14/6, UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch và phát động chương trình du lịch với chủ đề “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022.

Photo - Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phát triển du lịch nhà vườn

Tại hội nghị, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ, huyện Lục Ngạn miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đây là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, vải thiều chiếm 15.400ha; các loại cây có múi hơn 6.700 ha…

Anh Lưu Văn Tiến – Giám đốc làng văn hóa dân tộc Đông Bắc cho biết, muốn Lục Ngạn cất cánh thì con người làm du lịch phải năng động, trau dồi kinh nghiệm… Trong khi đó, khâu tổ chức ứng tuyển nhân lực được 100 người nhưng khi qua đào tạo, trọn lọc chỉ 3-4 người đáp ứng được khối lượng công việc đề ra, nhưng vẫn còn rất nghiệp dư và non kém.

Qua hội nghị tôi đề nghị người nông dân phải là người hướng dẫn viên du lịch, chính quyền tổ chức hội nghị xúc tiến để nói chuyện với người dân địa phương về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Lục Ngạn. Đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm trường hợp chặt chém khách du lịch, qua đó để định hướng phát triển du lịch một cách khoa học, bền vững.

Xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng vọt

Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp đều...không  vui - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 5, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 45,6 triệu USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Với kết quả này cho thấy, Mexico đang là thị trường điểm đến hấp dẫn với giá trị xuất khẩu cao hơn cả thị Mỹ Latin khác là Brazil.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mexico đang tốt nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thị trường CPTPP. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico nửa đầu năm nay chiếm 35% tổng giá trị của toàn khối của toàn khối.

Tính đến nửa đầu tháng 5, giá xuất khẩu trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Mexico đã tăng lên từ 2,6 - 2,75 USD/kg. Nhiều doanh nghiệp cá tra chuyển từ một số thị trường khác sang Mexico, quý này, có hơn hơn 30 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mexico.

Giải pháp để xuất khẩu xoài bền vững

Nâng cao năng lực tuân thủ quy định đối với xoài xuất khẩu

Sau 5 năm đàm phán, trái xoài Việt Nam đã được thị trường Nhật bản chấp nhận và ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản đã có một số thay đổi.

Ngoài các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP), thị trường này yêu cầu trái xoài Việt Nam phải đảm bảo về mã số vùng trồng thì mới được chấp nhận. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp (DN), người sản xuất phải nhìn nhận lại và có những định hướng sản xuất phù hợp với sự thay đổi của thị trường Nhật Bản nói riêng và các nước nhập khẩu nói chung.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 13.000ha, sản lượng hàng năm gần 113.000 tấn.

Để sản phẩm xoài đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu xuất khẩu, tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hướng an toàn gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng đảm bảo truy suất nguồn gốc.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 122 vùng trồng (xoài, mít, nhãn, thanh long) được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với 5.714,6ha xuất khẩu sang Trung Quốc và 40 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, chanh không hạt) xuất khẩu sang: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hiện có 14 mã số vùng trồng xoài với 528,5ha.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: