Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 30/5: Giá tăng mạnh, người trồng mía phấn khởi vì có thu nhập cao

Những thông tin đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Giá lợn hơi trồi sụt, giá thịt lợn 'ăn theo giá xăng; Lô vải thiều đầu tiên được xuất sang Nhật Bản; Xuất khẩu thủy sản bứt phá, nhiều mặt hàng tăng trưởng kỷ lục…

Giá lợn hơi trồi sụt, giá thịt lợn tăng theo giá xăng

Giá heo hơi hôm nay 30/5/2022: Cập nhật giá chi tiết 3 miền | Việt Nam Mới

Thông tin từ các trang trại chăn nuôi cho hay, giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng tại Ninh Bình, Thái Bình, Cần Thơ, Tiền Giang (đạt mức 57.000 đồng/kg), nhưng lại giảm 1.000 đồng/kg tại Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM (về mức 56.000 đồng/kg).

Theo Anova Feed, tính bình quân, giá lợn hơi trên cả nước hiện ở mức 56.600 đồng/kg, tăng bình quân 130 đồng/kg tại miền Bắc và tăng bình quân 150 đồng ở miền Tây, nhưng lại giảm bình quân 290 đồng ở miền Đông.  Như vậy, giá lợn hơi tuy đã nhích lên, nhưng không ổn định, trồi sụt thất thường ở nhiều địa phương. Mặc dù đã có ba tỉnh có giá lợn hơi đạt 60.000 đồng/kg, nhưng giá lợn lại giảm tại nhiều tỉnh. Như vậy, giá lợn hơi tuy nhích lên so với tuần trước, nhưng tăng không bền vững.

Hiện tại, chỉ có ba tỉnh ở khu vực miền Tây là Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang có giá lợn hơi đạt mức 60.000 đồng/kg. Các địa phương có mức giá lợn hơi cao thứ hai (58.000 đồng/kg) là Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng.

Nhìn chung, miền Tây là khu vực có mức giá lợn hơi bình quân cao nhất cả nước (57.850 đồng/kg), xếp thứ hai là khu vực miền Đông (56.710 đồng/kg), xếp thứ ba là các tỉnh miền Bắc (56.750 đồng/kg). Miền Trung là khu vực có giá lợn hơi bình quân rẻ nhất (55.270 đồng).

Trên cả nước, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh là hai địa phương có giá lợn hơi thấp nhất (54.000 đồng/kg). Mức giá này đã ổn định từ hai tuần nay.

Giá tăng mạnh, người trồng mía phấn khởi vì có thu nhập cao

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, năm nay toàn tỉnh  gieo trồng hơn 3.800 ha mía, trong đó có hơn 600 ha được nông dân trồng để bán mía chục làm nước ép giải khát. Diện tích mía này tập trung nhiều tại xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp.

Sử dụng đầu nong ống trong nhà máy đường 2021 - Assurich

Hiện, nông dân trồng mía bán chục đã thu hoạch được hơn 60 ha, với năng suất bình quân khoảng 100 tấn/ha. Những ngày qua, thương lái vào tận rẫy mía thu mua với mức giá hơn 2.200 đồng/kg, tăng hơn 600 đồng/kg so với cách đây nửa tháng và cao nhất từ trước đến nay. Với giá bán và năng suất như hiện tại, trừ hết chi phí, mỗi công mía nông dân lãi từ 12 triệu đồng trở lên.

Theo nhiều thương lái thu mua mía chục ở huyện Phụng Hiệp, hiện nay nhu cầu mía làm nước ép giải khát ở các tỉnh, thành phố tăng mạnh, nhưng sản lượng mía thời điểm này ít, do nhiều diện tích mía chưa đến thời điểm thu hoạch, nên giá tăng mạnh.

Lô vải thiều đầu tiên được xuất sang Nhật Bản

https://nongnghiephuucovn.vn/uploads/users_12/img-8602.jpg

Sáng ngày 29/5, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức cắt băng đưa chuyến xe đầu tiên chở vải thiều Thanh Hà đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

Sự kiện này được tổ chức tại Trung Tâm văn hóa xứ Đông (TP. Hải Dương) sau khi đoàn lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đi quan quan và khai hội mở vườn. Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam là doanh nghiệp trực tiếp đưa chuyến vải thiều này sang thị trường Nhật Bản bằng phương tiện Container lạnh.

Nhờ canh tác theo hướng VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nên những năm gần đây, vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, năm 2022, toàn tỉnh tiếp tục duy trì các vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu thế mạnh của tỉnh; quy hoạch, mở rộng hợp lý vùng trồng vải theo quy trình sản xuất hữu cơ, GAP, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn OCOP... đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài duy trì vùng sản xuất vải VietGAP và GlobalGAP của năm 2021, toàn tỉnh mở rộng thêm 5 vùng sản xuất vải VietGAP, 6 vùng sản xuất vải GlobalGAP đã đưa tổng số vùng sản xuất vải theo VietGAP là 41 vùng với tổng diện tích là 500 ha, theo GlobalGAP là 11 vùng với tổng diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản.

Xuất khẩu thủy sản bứt phá, nhiều mặt hàng tăng trưởng kỷ lục

Tính đến giữa quý II/2022, trong các mặt hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì xuất khẩu cá tra đã có sự tăng trưởng vượt bật với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, tăng 97% so với năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản bứt phá, nhiều mặt hàng tăng trưởng kỷ lục | Vietstock

 Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra đã có sự phục hồi xuất khẩu tốt từ những lợi thế do nguồn cung cá thịt trắng từ Nga bị gián đoạn. Nhóm thị trường tăng trưởng lớn nhất đạt hơn 100% của cá tra trong 4 tháng đầu năm là Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 156% và 136%, tiếp theo là thị trường EU có mức tăng trưởng gần 85%.

Ngoài ra, cá tra đang được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Mexico, Ai Cập và Thái Lan. Cụ thể, Mexico là thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam trong khối thị trường Hiệp định CPTPP, với hơn 50 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Thị trường Thái Lan cũng tăng 80% với giá trị xấp xỉ 50 triệu USD. Trong khi xuất khẩu sang Ai Cập dù chỉ đạt hơn 15 triệu USD nhưng đã tăng đến 85%.

Không chỉ tăng về lượng, giá cá tra xuất khẩu đang có xu hướng tăng, xuất khẩu sang Mỹ đang ở mức 4,5 USD/kg, mức giá cao nhất trong 3 năm qua.

Trước cơ hội thị trường như vậy, các doanh nghiệp thủy sản trong nước đang đẩy mạnh năng lục sản xuất, đáp ứng đơn hàng. 

Xuất khẩu thủy sản đang rộng mở cơ hội tăng trưởng. Ngoài tôm thì các mặt hàng chủ lực khác như cá tra, cá ngừ, VASEP dự báo nhu cầu thị trường vẫn lớn. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuỷ sản đang có sự chuẩn bị để kết nối trở lại với các hoạt động và tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó có Hội chợ Thuỷ sản quốc tế Vietfish của VASEP vào tháng 8/2022.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà nhập khẩu thế giới đến với thuỷ sản Việt Nam, là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm nay.

Ngoài ra, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, đang trở thành yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có được giá cả cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: