Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin Tiêu dùng 19/4: Mận cơm trưng nguyên cành, giá cao vẫn "cháy" hàng

Hôm nay (19/4) giá vàng thế giới giảm mạnh sau chuỗi ngày chạm đỉnh, giá lợn hơi biến động trái chiều; Cành khẳng khiu rêu mốc, lá xanh, quả tròn mọng đã thôi thúc chị em tìm mua mận cơm về trưng trong phòng khách mỗi dịp loại quả này vào mùa.

Giá vàng giảm mạnh sau khi lên đỉnh

Tới đầu giờ sáng 19/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.287,9 USD/ounce.

Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York giảm 0,1 USD xuống 1.281,8 USD/ounce.

Hiện giá vàng cao hơn 11,9% (+137 USD/ounce) so với cuối năm 2016. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá gần 35,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm nay diễn biến khó lường: giảm mạnh sau khi lên đỉnh 5 tháng nhưng chực chờ tăng vọt do giới đầu tư lo ngại bất ổn mới tại châu Âu và tình hình xấu đi tại Mỹ cũng như bán đảo Triều Tiên.

Giá vàng biến động mạnh, có lúc giảm khá nhanh do áp lực chốt lời sau khi mặt hàng kim loại quý này tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, bất ổn leo thang trên phạm vi toàn cầu hứa hẹn một lực bắt đáy lớn đối với mặt hàng này.

Trên thị trường vàng trong nước, trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước giảm 70-90 nghìn đồng/lượng so với phiên liền trước.

Chốt phiên 18/4, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,71 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,81 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,90 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo Doji, thị trường kim quý trong nước ghi nhận phiên giảm điểm mạnh sau khi đã có sự bứt phá mạnh mẽ ở phiên cuối tuần trước. Xu hướng bán ra chiếm chủ đạo phản ánh sự tương tác trái chiều giữa đà tăng của thị trường thế với đà giảm của thị trường trong nước.

Điều này cho thấy, diễn biến của thị trường hiện tại còn khá phức tạp và còn nhiều biến động. Thời điểm này chính là cơ hội cho các nhà đầu tư thường xuyên bám sát thị trường để có chiến lược tối ưu nhất.

Giá lợn hơi biến động trái chiều

Giá lợn hơi tại miền Bắc điều chỉnh tăng rải rác 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Theo đó, tỉnh Thái Bình tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch tại mức 56.000 đồng/kg. 

Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, Hưng Yên, Phú Thọ và Hà Nội điều chỉnh giá thu mua lên khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên điều chỉnh giảm rải rác. 

Hiện tại, thương lái tại hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg. 

Sau khi giảm cao nhất 3.000 đồng/kg, tỉnh Quảng Bình điều chỉnh giao dịch xuống còn 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 57.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh trái chiều từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. 

Cụ thể, thương lái tại Đồng Nai, TP HCM và Vũng Tàu cùng thu mua lợn hơi tại mức 56.000 đồng/kg sau khi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. 

Tỉnh Long An cũng giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 54.000 đồng/kg. 

Ở chiều ngược lại, sau khi tăng nhẹ một giá, các tỉnh An Giang, Hậu Giang và Bến Tre điều chỉnh giao dịch lên khoảng 56.000 - 59.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 59.000 đồng/kg.

Mận cơm trưng nguyên cành, giá cao vẫn "cháy" hàng

Khi vào chính vụ giá mận cơm giảm còn 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lúc này nhiều trái mận cũng chuyển sang màu vàng, phớt đỏ nên thay vì bán quả, nhiều đầu mối đã chuyển sang bán mận nguyên cành theo set. Những cành mận tươi, lá xanh non cùng quả vàng đỏ sai lúc lỉu được nhiều shop bán hàng online đăng hình thu hút nhiều người quan tâm, đặt mua.

Cành mận có giá từ 100 – 250.000 đồng/bó, tùy set to hay nhỏ. So với hái quả bán thì giá mỗi cành mận đội lên hàng chục lần nhưng vẫn được chị em ráo riết đặt mua.

Chị Nguyễn Chi - một đầu mối bán các loại hoa quả, nông sản ở Mễ Trì (Hà Nội) - cho biết, chị mới nhận bán thêm cành mận khoảng 1 tuần nay. Vì mới lạ, vừa có thể mua về cắm chơi để trang trí lại ăn được quả luôn nên mặt hàng này chị bán khá chạy. Để đảm bảo cành mận tươi, chơi được lâu, chị thường đăng bài gom đơn trước, sau 3-4 ngày mới có hàng.

Cũng theo chị Chi, dù nhà vườn còn nhiều mận nhưng không phải cành nào cũng cắt được vì còn giữ lại để cây cho ra hoa đậu quả vào vụ sau. Vì thế, nhà vườn chỉ cắt tỉa những cành nhỏ đẹp, dài khoảng 50-55cm, kèm nhiều quả và lá. Việc thu gom do đó rất vất vả và mất nhiều thời gian. Có khi một tuần, hàng về được 2-3 chuyến chứ không có thường xuyên.

Mận cơm được trồng chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc như Sơn La, Cao Bằng. Mỗi năm chỉ có một mùa nên mọi người rất háo hức với loại quả này. Ngoài tên thường gọi là mận cơm người ta còn gọi là mận thóc. Mận cơm bé tí, quả tròn xoe đủ màu xanh, đỏ, vàng.

Bia đồng loạt tăng giá

Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội (Habeco) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Hà Nội, bia hơi Hà Nội, Trúc Bạch... thông báo điều chỉnh giá các loại bia hơi.

Cụ thể, bia hơi 30,50 lít tăng thêm 1.001 đồng/lít; bia keng 2 lít tăng thêm 4.117 đồng/lít; bia hơi 1 lít (xách 6 chai) tăng thêm 7.062 đồng/lít.

Trước đó, ngày 1/1, doanh nghiệp này đã thông báo tăng giá thêm 616-1.110 đồng/lít. Thực tế, không chỉ Habeco mà hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất bia cũng phải đồng loạt tăng giá bán trước áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Ghi nhận tại một số đại lý và cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội giá nhiều loại bia tăng 15.000-30.000 đồng/thùng so với cuối năm 2021. Cụ thể, bia Tiger xanh, bạc có giá mới là 350.000-395.000 đồng/thùng, bia Heineken cũng tăng lên mức 425.000-450.000 đồng/thùng…

Hiện, một số hãng bia khác cũng thông báo tăng giá để bù đắp chi phí nguyên liệu gia tăng. 

Về thị trường bia năm 2022, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn đánh giá ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và những quy định của Chính phủ.

Lãnh đạo Sabeco cho biết Nghị định 100 và Nghị định 24 đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như các hình thức xử phạt nặng hơn đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông... Ngoài ra, quy định đồ uống có cồn phải trả 3 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt) cũng khiến ngành bia gặp khó.

Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, việc nhập vật tư nguyên liệu chính để sản xuất có nguy cơ chậm vì đối tác nước ngoài không bố trí được phương tiện vận chuyển, đặt ra gánh nặng chi phí cho nhà sản xuất.

Hương Trà/KTDU

Từ khóa: