Giá heo hơi tiếp tục tăng trong khi giá vàng trong đà lao dốc; 900.000 đồng một kg vú sữa vàng Đài Loan; Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; Gỗ Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt xuất khẩu để né thuế; Ngóng khuyến mãi 'khủng'... là những tin đáng chú ý hôm nay.
Giá heo (lợn) hơi hôm nay (5/9): Miền Bắc tiếp tục tăng 1.500 đồng/kg
Qua tìm hiêu, tại các tỉnh thuộc miền Bắc hôm nay, giá heo hơi có xu hướng đi lên. Hiện địa phương này đang có giá dao động từ 51.000 đồng/kg đến 52.500 đồng/kg.
So với miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ít bến động hơn. Toàn miền có giá từ 47.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Tại miền Nam hôm nay vẫn tiếp tục ổn định so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay (5/9) tiếp tục lao dốc
Giá vàng giao ngay tăng 0,04% lên 1.191,6 USD/ounce vào lúc 7h00 (giờ Việt Nam), trong khi giá vàng giao tháng 12 giảm 0,11% xuống 1.197,8 USD/ounce.
Giá vàng đã giảm khoảng 8% trong năm nay trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tăng, tranh chấp thương mại và khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ, với giới đầu tư tìm bến đỗ cho đồng tiền của mình ở đồng USD, được coi là tài sản an toàn.
Giá cà phê hôm nay 5/9: Đứng trước nguy cơ khủng hoảng
Đối với thị trường cà phê trong nước, giá cà phê nguyên liệu giá bán hiện tại khoảng từ 32.200 - 32.800 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên không đổi sau cú lao dốc cuối tuần, thấp nhất 33.200 đồng/kg tại Lâm Đồng và cao nhất 33.800 đồng/kg tại Gia Lai.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng Tp.HCM giao dịch ở mức 1.391 USD/tấn, trừ lùi 110 USD/tấn (FOB).
900.000 đồng một kg vú sữa vàng Đài Loan
Thông tin từ VnExpress cho biết, mỗi khi đến vụ, vú sữa Việt đắt nhất cũng chỉ tầm 80.000 đồng một kg; có thời điểm rớt giá còn 5.000 đồng một kg.
Trong khi đó, vú sữa ngoại nhập, đặc biệt là hàng Đài Loan được bán tới 850.000 - 900.000 đồng một kg vẫn khá đắt khách.
Khảo sát nhiều cửa hàng trái cây ở TP HCM cho thấy, vú sữa vàng đang được rao bán rầm rộ, ngoài bán theo kg thì nhiều cửa hàng bán quả. Tùy kích cỡ mà có giá 300.000 - 400.000 đồng mỗi quả.
Giá rẻ, vẻ ngoài long lanh, xe Trung Quốc vẫn nhận "cái kết đắng" ở Việt Nam
Theo Dân trí, các loại xe con từ Trung Quốc vào Việt Nam với rất nhiều tham vọng và mục đích: giá rẻ, phục vụ đại đa số người dân. Tuy nhiên, cái bóng của xe Trung Quốc "xe giá rẻ, chất lượng thấp" vẫn chưa thể được gạt bỏ khỏi tư tưởng của đại đa số người Việt Nam.
Trên thị trường, các dòng xe con của Trung Quốc nhập vào Việt Nam có vài cái tên rất mới, rất nổi như Baic, Zoyte đều là mẫu đa dụng SUV thời thượng. Các mẫu xe này thường có thiết kế bắt mắt giống với Range Rover hoặc các mẫu xe ăn khách khác như Volvo, Mercedes.
Mặc dù có giá rẻ từ 500 triệu đến 700 triệu đồng nhưng hầu hết các dòng xe trên khác chật vật trong cuộc đua nhận diện thương hiệu và tranh giành khách tại Việt Nam dù có lợi thế giá rẻ.
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam: Bộ Nông nghiệp ra công điện khẩn
Tờ Tieudung.vn viết, theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được ghi nhận xảy ra tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.
Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Đáng chú ý, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTLCP, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Theo Chuyên gia: Đa số đông trùng hạ thảo trên thị trường là hàng 'dởm'
Chuyên gia và doanh nghiệp cảnh báo, đông trùng hạ thảo trên thị trường rất nhiều hàng giả, kém chất lượng, do đó người tiêu dùng nếu không cẩn trọng rất dễ mua nhầm, thông tin có được từ tờ vietnamnet.
Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản xuất không có lương tâm, khi sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10mg thì chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề.
Cũng vì lợi nhuận cao nên đông trùng hạ thảo là loại đông được đang được làm giả một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường. Các đối tượng làm giả có thể dùng bột mì, bột nghiền từ côn trùng, rồi trộn với keo, đúc thành đông trùng hạ thảo. Với công nghệ đúc hiện nay, các đối tượng sẽ đúc được những con đông trùng hạ thảo giả giống hệt như thật.
Rượu 'Tây' bán tràn lan trên mạng
Quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên ban hành được gần 1 năm, nhưng tình trạng quảng cáo và kinh doanh rượu mạnh trên mạng Internet vẫn tràn lan, bất chấp pháp luật.
Qua tìm hiểu của Vietnamnet, trên thị trường có rất nhiều loại rượu nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả, kém chất lượng, còn người tiêu dùng không biết làm thế nào để tìm mua những sản phẩm chính hãng. Nhiều tổ chức cá nhân bán rượu trên mạng Internet tràn làn đang khiến Nhà nước thất thu thuế và người tiêu dùng thiệt thòi khi mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Gỗ Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt xuất khẩu để né thuế
Nguồn tin từ tờ Thương hiệu và Công luận cho biết, ngành thép Việt Nam đang hứng chịu bài học “cay đắng” sau khi thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá mức “khủng” 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44%.
Không chỉ thép mà mặt hàng gỗ cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây từ hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ, núp bóng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết “Nếu các công ty Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn cho hàng Việt”.
Bắc Giang: Xử phạt hơn 200 vụ vi phạm buôn lậu, hàng giả, hàng nhái
Cũng theo THCL, chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018 lực lượng chức năng đã kiểm tra 252 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xử lý 201 vụ với số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 7,89 tỷ đồng.
Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tập trung vào nhóm hàng đồ chơi trẻ em, vải may mặc, thực phẩm, mỹ phẩm... Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là sử dụng, trà trộn nhãn hàng hóa “nhái” theo nhãn hiệu đã được bảo hộ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, các ngành, thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cụ thể phù hợp với ngành và tình hình địa phương quản lý.
Ngóng khuyến mãi 'khủng'
Khách hàng ngóng khuyến mãi "khủng" theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 15.7 của Nghị định 81 hướng dẫn luật Thương mại, với mức kịch trần đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ theo kiểu có thể mua 1 tặng 1.
Tuy nhiên, ghi nhận theo ghi nhận tại một số cửa hàng, shop, thương hiệu thời trang, các doanh nghiệp bán lẻ hầu hết chỉ giảm tối đa 50% trong dịp lễ 2.9 này.
Mai Quỳnh (t/h)
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng