Hôm nay (7/7) giá vàng thế giới giảm sâu, giá lợn hơi tăng rải rác tại một số tỉnh thành; Trung bình một quả dứa mật nặng khoảng 2kg, nặng nhất có thể lên đến hơn 3kg, giá chỉ khoảng 25.000/kg.
Giá vàng giảm mạnh
Đêm 6/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.762 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.760 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 6/7 thấp hơn khoảng 3,2% (59 USD/ounce) so với đầu năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 19,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 6/7.
Kết thúc phiên giao dịch 6/7, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 67,85 triệu đồng/lượng - 68,47 triệu đồng/lượng
Doji Hà Nội: 67,80 triệu đồng/lượng - 68,40 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 67,85 triệu đồng/lượng - 68,45 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 67,80 triệu đồng/lượng - 68,40 triệu đồng/lượng
SJC Đà Nẵng: 67,85 triệu đồng/lượng - 68,47 triệu đồng/lượng
Doji Đà Nẵng: 67,80 triệu đồng/lượng - 68,40 triệu đồng/lượng
Giá lợn hơi tăng rải rác
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng tại nhiều nơi so với ngày hôm qua.
Cụ thể, sau khi nhích nhẹ một giá, các tỉnh thành gồm Yên Bái, Hưng Yên, Phú Thọ và Tuyên Quang điều chỉnh giá thu mua lên khoảng 60.000 - 62.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình và Vĩnh Phúc cùng tăng 2.000 đồng/kg, hiện đang thu mua lợn hơi với giá 60.000 đồng/kg và 61.000 đồng/kg.
Thành phố Hà Nội tăng cao nhất 3.000 đồng/kg lên mức 62.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 58.000 - 62.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 1.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg.
Theo đó, thương lái tại Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận đang giao dịch lợn hơi với giá từ 55.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg, mức giá thu mua được ghi nhận tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam là 56.000 - 60.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng đồng loạt tăng tại nhiều tỉnh thành theo xu hướng thị trường.
Trong đó, sau khi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang và Trà Vinh điều chỉnh giao dịch lên mức 57.000 đồng/kg, riêng tỉnh Sóc Trăng là 56.000 đồng/kg.
Thương lái tại TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Cần Thơ cùng tăng 3.000 đồng/kg lên 58.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg.
Tương tự, Bình Phước, Đồng Nai và Vũng Tàu hiện đang thu mua lợn hơi tương ứng là 60.000 đồng/kg, 61.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg trong ngày hôm nay.
Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 54.000 - 62.000 đồng/kg.
Dứa “khổng lồ” siêu hút khách
Là loại trái cây ngon, ngọt và tươi mát, chứa nhiều vitamin và khoáng chất được nhiều người yêu thích, dứa hay còn gọi là khóm hoặc thơm có thể chế biến được nhiều món ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe.
Thông thường, dứa có trọng lượng từ 0,3-1kg/quả, được bán với giá từ 10-15 nghìn đồng/quả. Ngoài phần vỏ dày, quả dứa có nhiều mắt phải khoét sâu vào trong. Ngoài ra, vì dứa có vị ngọt pha chua, thậm chí có quả chua nhiều nên nhiều người còn khá e ngại khi mua về ăn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện loại dứa “khổng lồ”, to gấp nhiều lần quả dứa thông thường. Không những có lớp vỏ mỏng, mắt dứa lại khá nông, ăn ngọt và thơm khiến nhiều chị em bất ngờ.
Được biết, đây là giống dứa mật, được trồng phổ biến một số năm gần đây ở các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hoá, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Loại dứa này quả to, ngọt hơn dứa bình thường nên được các địa phương nhân giống và trồng với diện tích ngày một nhiều.
Là hộ trồng dứa mật đầu tiên lại xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), chị Hải Yến cho biết, đây là giống dứa mới được gia đình chị trồng thử nghiệm trên mảnh đồi trước kia trồng sắn của gia đình.
“Nhà tôi trồng 5.000 gốc dứa trên đồi trước kia trồng sắn, sau khi trồng khoảng hơn 1 năm sẽ được thu hoạch. Hàng thu đến đâu được mua hết đến đó với giá bán lẻ là 20 nghìn đồng/kg. Mỗi quả dao động từ 0,8-1,5kg/quả, có những quả to hơn nặng 2,5-3kg”, chị Yến cho hay.
Theo chị Yến, so với giống dứa ta, dứa mật cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn, giá thành bán ra thị trường cũng gấp 2-3 lần, có hàng đến đâu bán hết đến đó. Vì vậy, chị cũng mong ngày càng có nhiều hộ gia đình tại địa phương mình biết đến giống dứa này để phát triển kinh tế, thay thế các loại cây hoa màu năng suất thấp hơn.
Cá rô, cá quả đội giá gấp đôi
Theo khảo sát, ngoài rau xanh, thịt lợn, thịt gà thì cá là mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Tại chợ Thành Công B (Đống Đa, Hà Nội), cá rô phi, khoảng trên dưới 1kg giá dao động khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, cá điêu hồng khoảng 65.000 đồng/kg, đắt hơn khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với dịp đầu năm. Các loại cá trắm cỏ, cá chép cũng tăng giá khoảng 40.000 đồng/kg so với trước đó. Như vậy, nếu mua một con cá trọng lượng hơn 2 kg thì người mua sẽ phải "móc túi" thêm 80.000 đồng.
Cá biệt loại cá quả ta có giá khoảng 125.000 - 130.000 đồng/kg, cao hơn tới 50.000 đồng/kg so với đầu năm. Loại cá hương được coi là đặc sản này này ở một số chợ trung tâm như chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Văn Chương thậm chí còn đang ở mức giá 150.000 - 160.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Chanh, tiểu thương bán cá tại chợ Thành Công B nói: “Giữa lúc giá cả leo thang như thế này thì cá cũng không ngoại lệ. Dù hàng hóa thì vẫn dồi dào, sẵn có nhưng giá nhập loại cá nào cũng tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm Tết Nguyên đán, do đó chúng tôi cũng phải tăng giá bán theo chứ không còn lựa chọn nào khác”.
Việc giá cá quá đắt không chỉ khiến người mua bức xúc mà còn khiến người bán cũng mệt mỏi theo. Một tiểu thương bán cá ở chợ Vĩnh Tuy nói: "Thời buổi kinh tế khó khăn, bán được hàng đã khó nhưng giữ được khách còn khó hơn. Giờ nếu tăng giá bán lên thì lại sợ mang tiếng "đuổi khách", còn nếu không tăng thì giá nhập đắt hơn giá bán, làm sao trụ nổi".
Khi được hỏi về nguyên nhân tăng giá, nhiều người bán cho biết, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển tăng theo, các mặt hàng do đó càng trở nên đắt đỏ.
Hương Trà/ KTDU