Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin tiêu dùng ngày 11/1: Giá vé máy bay dịp tết thấp kỉ lục

Hôm nay (11/1) giá vàng trong nước tiếp tục tăng, cùng với đó giá lợn hơi cũng tăng đồng loạt trên cả nước; Giá thanh long tại vườn chỉ còn từ 2.000-4.000 đồng/kg, tại các điểm bán hỗ trợ chỉ từ 4.000-10.000 đồng/kg nhưng tại một số cửa hàng hay chợ truyền thống, giá vẫn neo ở mức cao; Giá vé máy bay dịp tết thấp kỉ lục

Giá vàng trong nước cao ngất ngưởng

Đêm 10/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.796 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.797 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 10/1 thấp hơn khoảng 5,2% (99 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 10/1.

Kết thúc phiên giao dịch 10/1, giá vàng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

Doji Hà Nội:  60,85 triệu đồng/lượng -  61,50 triệu đồng/lượng

SJC Hà Nội: 60,90 triệu đồng/lượng - 61,52 triệu đồng/lượng

Doji TP.HCM: 60,80 triệu đồng/lượng -  61,50 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 60,90 triệu đồng/lượng - 61,53 triệu đồng/lượng

Giá lợn hơi tăng trên toàn quốc

Tại khu vực miền Bắc, giá thu mua điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg.

Cụ thể, TP Hà Nội điều chỉnh giao dịch lên mức 50.000 đồng/kg, ngang bằng với hai tỉnh Hà Nam và Tuyên Quang.Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận thay đổi mới trong ngày hôm nay. 

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng ở một vài nơi. 

Theo đó, các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk cùng nhích nhẹ một giá, hiện đang thu mua lợn hơi tương ứng 48.000 - 49.000 đồng/kg. 

Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thương lái tại Quảng Ngãi đang giao dịch với giá 49.000 đồng/kg. 

Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 47.000 - 50.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, một số địa phương chứng kiến giá thu mua cũng tăng nhẹ. 

Trong đó, hai tỉnh Kiên Giang và Bình Phước cùng tăng 1.000 đồng/kg, lần lượt giao dịch với giá là 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg. 

Thương lái tại tỉnh Đồng Nai tiếp tục thu mua lợn hơi với ngưỡng cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay đang dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg.

Thanh long tại vườn rớt thảm có nơi chỉ còn 2.000 đồng/kg, tại chợ giá gấp 35 lần

Những ngày này, người tiêu dùng khắp nơi đang kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ thanh long khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu. Thanh long bán tại vườn chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg, tại các điểm hỗ trợ tiêu thụ và các xe bán hàng xuất khẩu quay đầu chỉ từ 50.000 đồng/thùng 19kg.

Tuy nhiên, tại một số sạp hoa quả tại các chợ, giá thanh long vẫn neo ở mức 50.000-70.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều người vẫn phải mua thanh long với giá gấp 10-30 lần giá tại vườn và không biết thanh long giá rẻ bán tại đâu.

Nghe tin thanh long đang rẻ, chị Hồng Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) liền ra chợ gần nhà để mua. Dự tính, chị sẽ mua 1 thùng rồi mang về quê cho mọi người cùng thưởng thức. Tuy nhiên, khi ra cửa hàng hoa quả gần nhà thì được báo giá 55.000 đồng/kg, đắt hơn cả thời điểm trước kia.

Tiếp tục di chuyển đến chợ Nhân Chính cách nhà 2km và hỏi thêm 4 sạp bán hoa quả thì giá thanh long vẫn dao động ở mức từ 50.000-55.000 đồng/kg.

“Tôi nghe bạn bè nói thanh long không xuất được nên đang được bán giá rất rẻ, chỉ 5.000-10.000 đồng/kg nhưng khi đi hỏi thì suýt “ngất” khi giá vẫn “trên trời”. Khi hỏi thì tôi được biết là chỉ ở một số siêu thị có chương trình khuyến mãi hoặc điểm hỗ trợ mới có giá rẻ. Giá cao nên tôi chuyển sang mua cam canh để mang về quê”, chị Hương nói.

Khảo sát tại các cửa hàng hoa quả bán lẻ hay tại các sạp hoa quả tại một số chợ truyền thống nội thành Hà Nội, giá thanh long vẫn ở mức cao.

Đơn cử như tại hàng rau sạch Hạnh Hùng ở chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa, Hà Nội), thanh long ruột đỏ đang được bán với giá 65.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng có giá 55.000 đồng/kg; tại cửa hàng Bác Tôm ở đường Lê Đại Hành, thanh long đỏ vẫn có giá 88.000 đồng/kg; cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen Ngọc Khánh cũng có giá 73.000 đồng/kg.

Tại sạp hoa quả chị Mẫn ở chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình), thanh long ruột đỏ cũng đang được bán với giá 54.000 đồng/kg; cửa hàng hoa quả sạch Anh Thư (Cầu Giấy) có giá 50.000 đồng/kg…

Lý giải về giá thanh long được bán lẻ với giá cao, các tiểu thương cho rằng, giá 2.000-4.000 đồng/kg là giá tại vườn dành cho thương lái mua với số lượng hàng tấn và hàng chục tấn. Ngoài ra, hàng giải cứu để trong container lạnh, nếu để ra ngoài sẽ dễ thối, hỏng, không thể lấy về bán lẻ.

“Chúng tôi phải nhặt từng quả và bán hàng tuyển chọn, lấy lại của các đầu mối, đảm bảo tươi ngon và đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ. Lấy đến đâu bán hết đến đó trong vòng 2-3 ngày. Chưa kể phí vận chuyển cao nên giá bán lẻ cao”, chị Huyền, chủ sạp hoa quả chợ Thổ Quan (Đống Đa) cho hay.

Giá vé máy bay dịp tết thấp kỉ lục

Gần một tháng nữa là tới cao điểm Tết Nguyên đán 2021 nhưng giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội, khởi hành ngày 29/1 (27 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6/2 (6 tháng Giêng năm Nhâm Dần) đang ở mức rẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo khảo sát, Vietjet Air đang là hãng bay có giá vé Tết 2022 rẻ nhất trên hành trình này. Hãng hiện đưa ra mức giá thấp nhất 3,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.

Những lựa chọn khác của hành khách trên hành trình này bao gồm Bamboo Airways (3,3 triệu đồng), Vietnam Airlines Group (4,7-4,9 triệu đồng) và Vietravel Airlines (5,1 triệu đồng). Trung bình giá vé mà các hãng đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng.

So với thời điểm đặt vé vào đầu tháng 12/2021, giá vé hiện đã rẻ đi khoảng 600.000 đồng. Điều này báo hiệu xu hướng càng gần Tết vé lại càng rẻ của năm 2021 đang xuất hiện trở lại trong năm 2022.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, giá vé máy bay trong cao điểm Tết Nguyên đán mỗi năm trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội luôn dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí tùy vào thời điểm đặt vé.

Đặc biệt có những chuyến bay giờ đẹp giá vé phổ thông lên kịch trần theo quy định, tiệm cận giá vé hạng thương gia.

Giá vé giảm mạnh là do các hãng bay liên tục tăng chuyến trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội trong cao điểm Tết và giảm giá mạnh để cạnh tranh nguồn khách. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành miền Bắc diễn biến phức tạp, hành khách cũng dè dặt hơn khi quyết đặt vé, dẫn tới nguồn cầu sụt giảm.

Chuyến bay tăng nhưng lượng khách không tăng tương ứng khiến lựa chọn bay của hành khách rất đa dạng, đầy đủ các giờ bay và ghế trống còn rất nhiều. Các chuyến bay trong giờ bay "đẹp" có giá vé chỉ nhỉnh hơn các chuyến bay sáng sớm và đêm muộn khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi vé khứ hồi.

Lo ngại dịch bệnh cũng như việc lượng lớn người lao động đã rời các thành phố lớn từ trước cao điểm Tết khiến giá vé máy bay dịp cao điểm đang rẻ chưa từng có. 

Với chặng bay khứ hồi TP.HCM - Đà Nẵng khởi hành ngày 29/1 và trở lại vào ngày 6/2, giá vé rẻ nhất đang là các chuyến bay của Vietjet Air với mức giá 2,8 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí, rẻ hơn khoảng 800.000 đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021. Lựa chọn khác của hành khách bao gồm chuyến bay của Bamboo Airways (3 triệu đồng).

Hương Trà

Theo KTDU

Từ khóa: