Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin tiêu dùng ngày 17/2: Thị trường lá xông nhộn nhịp “thời Covid”

Hôm nay (17/2) giá vàng trên thị trường thế giới tiếp đà tăng, trong khi đó giá lợn hơi tiếp tục giảm nhẹ ở vài địa phương; Thời gian gần đây, các loại lá xông được bán rất nhiều ở các khu chợ truyền thống, thị trường lá xông trở nên nhộn nhịp bởi tác động của Covid-19.

Giá vàng thế giới tiếp đà tăng

Trong nước rạng sáng 17/2 không có nhiều biến động so với phiên giao dịch ngày hôm trước khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý đã điều chỉnh tăng/giảm giá vàng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ lượng.   

Ghi nhận mức giảm cao nhất trong rạng sáng 17/2 là vàng PNJ với mức giảm 100.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều đưa giá vàng mua vào và bán ra lần lượt là 53,4 triệu đồng/ lượng và 54,2 triệu đồng/ lượng.   

Vàng DOJI ghi nhận tăng giảm trái chiều giữa các khu vực khác nhau. Cụ thể, DOJI Hà Nội đã điều chỉnh tăng 50.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, ở khu vực TP Hồ Chí Minh lại điều chỉnh giảm 50.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều. Hiện tại, vàng DOJI ở Hà Nội đang mua vào với giá 61,85 triệu đồng/ lượng và mua vào với giá 62,55 triệu đồng/ lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng DOJI hiện là 61,75 triệu đồng/ lượng mua vào và 62,45 triệu đồng/ lượng bán ra.

SJC đã điều chỉnh giảm 50.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều. Hiện tại, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng là 62,2 triệu đồng/ lượng mua vào và 62,92 triệu đồng/ lượng bán ra. Vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh đang mua vào với giá tương tự và bán ra ở ngưỡng 62,9 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng thế giới đạt được đà tăng vững chắc với mức tăng hai con số trong phiên giao dịch chiều tối 16/2 sau khi biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố.

Trong biên bản này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thay đổi quan điểm về lạm phát khi cho rằng nguy cơ lạm phát đang gia tăng và sự cần thiết phải có chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm nhẹ ở vài địa phương

Sau khi điều chỉnh nhẹ vào hôm qua, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương trong khu vực.

Trong đó, Phú Thọ giảm 1.000 đồng/kg xuống mức thấp khu vực là 55.000 đồng/kg.

Tương tự, Thái Bình và Hưng Yên lần lượt thu mua lợn hơi với giá là 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua.

Các tỉnh còn lại không chứng kiến thay đổi mới, duy trì giao dịch trong khoảng giá 56.000 - 57.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên hôm nay tiếp tục đi ngang ở nhiều nơi.

Đắk Lắk tiếp tục là địa phương dẫn đầu khu vực khi neo tại ngưỡng 58.000 đồng/kg.

Nhiều nơi tiếp tục giao dịch tại mức 57.000 đồng/kg, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Riêng Quảng Bình, Ninh Thuận và Thừa Thiên Huế giảm nhẹ một giá, hiện thu mua lợn hơi trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại miền Nam ghi nhận điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg trong hôm nay.

Cụ thể, An Giang hạ nhẹ một giá xuống còn 55.000 đồng/kg, cùng với Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Cũng theo đà giảm trên cả nước, Tây Ninh và Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg, hiện thu mua lợn hơi chung mức 56.000 đồng/kg, ngang bằng Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bến Tre.

TP HCM và Long An duy trì giao dịch tại mốc cao nhất khu vực là 57.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 57.000 đồng/kg.

Cơn sốt dâu tây Mộc Châu đổ bộ

Ở Hà Nội những ngày này, dâu tây phủ sóng thị trường, tràn ra chợ truyền thống với giá dao động từ 150.000-500.000 đồng/kg tuỳ loại. Dân buôn bán loại quả này thừa nhận, chưa bao giờ dâu tây Mộc Châu lại dội chợ với số lượng lớn như vậy. Có loại giá cũng rẻ chưa từng có.

Chị Phan Kim Thu ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khoe, mỗi ngày chị tiêu thụ hết trên dưới 1 tạ dâu tây Mộc Châu các loại tuỳ vào lượng khách đặt.

Theo chị Thu, dâu tây hana giống Nhật được người dân ở Mộc Châu trồng càng ngày càng nhiều. Cách đây vài năm, số nhà vườn trồng loại quả này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ chủ yếu trồng làm du lịch, kết hợp bán quả cho du khách. Dâu quả xuất ra thị trường rất hiếm.

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, diện tích trồng dâu tây ở Sơn La tăng mạnh. Đến mùa, hàng đổ về Hà Nội với số lớn.

Mùa dâu tây Mộc Châu năm ngoái, chị Thu bắt đầu nhập về bán. Song, tuần chỉ có 3 chuyến dâu về cửa hàng, bởi chị chỉ đặt được của một nhà vườn, trong khi dâu phải chờ chín đỏ mới hái chuyển xuống Hà Nội được. Đến mùa dâu năm nay, hàng về ồ ạt. Mỗi ngày một chuyến dâu về cửa hàng.

Thời điểm sau Tết Nhâm Dần, dâu chín rộ, chị còn phải rao bán xả hàng cho nhà vườn. Những ngày đó, hàng về 150-200kg.

 Dâu được chia làm 4 loại. Hàng vip là những quả dâu hình rẻ quạt, chín đỏ, căng mọng và rất to giá 500.000 đồng/kg. Riêng loại này năm nay giá rẻ hơn năm ngoái. Còn dâu size to 19-21 quả/hộp giá 280.000 đồng/kg; size nhỡ 22-25 quả/hộp giá 220.000 đồng/kg; dâu bi giá 170.000 đồng/kg.

Đây là giá bán lẻ, còn bán buôn giá sẽ tuỳ theo khách lấy số lượng ít hay nhiều.

Tại Sơn La, không chỉ ở Mộc Châu mà diện tích dâu tây còn được mở rộng các huyện khác, trở thành cây trồng giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí cho thu tiền tỷ.

Thị trường lá xông nhộn nhịp “thời Covid”

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị hoặc thuốc chưa phát huy đươc tác dụng cụ thể, với nhận thức Covid-19 cũng là một dạng cúm, bài thuốc dân gian xông lá được tái sử dụng, bắt đầu từ đợt bùng phát dịch bệnh ở khu vực phía Nam và giờ đây đã phổ biến ra cả nước.

Thời gian gần đây, các loại lá xông bán lẻ hoặc kết tụ thành từng bó được bán rất nhiều ở các khu chợ truyền thống. Bà Đào Thị Thanh – một tiểu thương bán hàng ở chợ đầu mối cho biết, trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng hai tạ lá xông, bao gồm cả bán buôn lẫn bán lẻ, với giá bán dao động từ 8 nghìn đến 12 nghìn đồng mỗi bó, mặt hàng này thực sự đã trở thành phân khúc hàng hóa với doanh thu đáng nể.

Cũng theo bà Thanh, rất có thể không phải khách hàng nào có nhu cầu sử dụng lá xông cũng bị nhiễm Covid-19, nhưng việc xông lá vừa có tác dụng điều trị vừa để phòng ngừa nên người dân đổ xô nhau mua dùng.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, những loại lá bài thuốc dân gian này lựa chọn hầu hết có chứa tinh dầu, cụ thể là kinh giới, tía tô, bạc hà, hương nhu, cúc tần, sả, bưởi… Tinh dầu nhìn chung đều mang các hợp chất kháng khuẩn, khi đi vào cơ thể giúp diệt mầm bệnh.

Các hợp chất này tùy thuộc vào loại dầu cụ thể, nhưng có hai hợp chất đáng kể là Aldehyde và Phenol. Aldehyde là một chất khử trùng phổ rộng với khả năng khử trùng và tiêu diệt nấm, virus, vi khuẩn. Trong khi đó Phenol là hợp chất hoạt động như chất chống oxy hóa, cũng đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn.

Có lẽ chình vì vậy mà thời gian gần đây các loại lá xông thực sự trở thành một phân khúc hàng hóa bán chạy bậc nhất trên thị trường. Tại các quầy hàng vốn dĩ chuyên về rau, củ, quả thuộc nhóm thực phẩm, giờ đây gần như quầy hàng nào cũng có thêm mặt hàng lá xông.

Dù chưa có những đánh giá cụ thể liên quan đến dịch bệnh Covid-19, nhưng xông lá đang là một trong những lựa chọn phổ biến đối với người dân hiện nay. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, thì việc xông lá đối với những người già, trẻ nhỏ không có nhận thức phản ứng đầy đủ, cần phải hạn chế hoặc giám sát, tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Hương Trà/KTDU

Từ khóa: