Sự kiện hot
7 năm trước

Bán vốn FPT Retail: Phát súng báo hiệu FPT quay lại mảng kinh doanh cốt lõi?

Kế hoạch thoái bớt vốn từ các công ty con đã được FPT đề cập từ năm 2014, tuy nhiên đến nay mới chính thức công bố thương vụ đầu tiên tại FPT Retail.

Công ty cổ phần Tập đoàn FPT (Mã: FPT) vừa công bố hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital vào ngày 11/8 vừa qua. Qua đó FPT chính thức giảm tỷ lệ nắm giữ tại FPT Retail xuống còn 55%. Chi tiết giá trị thương vụ và tỷ lệ phân chia mua cổ phần chưa được tiết lộ.

FPT cho biết sẽ tiếp tục bán thêm 10% vốn của FPT Retail cho các nhà đầu tư khác trong tương lai để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%.

FPT vừa bán xong 30% cổ phần FPT Retail

Bán FPT Retail, FPT hạch toán lợi nhuận như thế nào?

Điểm đáng quan tâm của các cổ đông công ty thời điểm hiện tại chính là việc FPT sẽ hạch toán ra sao với khoản lợi nhuận (nếu có) khi tiến trình thoái vốn hoàn tất. Các trường hợp nào có thể sẽ xảy ra và ảnh hưởng ra sao đến ghi nhận kết quả kinh doanh của FPT?

Nếu chỉ thoái vốn 30% tại FPT Retail, lợi nhuận chênh lệch sẽ không được ghi vào khoản mục lợi nhuận trên Báo cáo KQKD do FPT vẫn đang nắm quyền kiểm soát đối với FPT Retail khi vẫn còn nắm giữ 55%. Khoản lợi nhuận chênh lệch này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán theo quy định của Điều 9 Thông tư 202 năm 2014 của Bộ Tài chính.

Trong trường hợp, FPT thực hiện kế hoạch thoái tiếp 10% trong năm 2017 này, mà như đại hội cổ đông đã công bố, thì lúc đó toàn bộ chênh lệch lợi nhuận của 40% sẽ được ghi vào khoản mục lợi nhuận trên báo cáo KQKD năm 2017.

Tuy nhiên cũng không thể loại trừ trường hợp FPT có thể chuyển qua thoái tiếp 10% trong năm 2018. Khi đó lợi nhuận nếu có từ thoái 30% sẽ vẫn được ghi vào lợi nhuận chưa phân phối trên BCTC năm 2018, và cột so sánh trên báo cáo KQKD năm 2018. Và chỉ có lợi nhuận nếu có từ thoái vốn 10% sẽ được ghi trong năm 2018.

Như vậy, giá trị gia tăng tác động vào kết quả doanh thu lợi nhuận của FPT sẽ ảnh hưởng tùy thuộc vào chiến lược thoái vốn của công ty. FPT có thể sẽ tăng rất mạnh lợi nhuận trong năm 2017 nếu hoàn thành thoái vốn kịp, nhưng cũng có thể sẽ không được phản ánh vào kết quả kinh doanh trong trường hợp vẫn còn quan hệ mẹ - con với FPT Retail.

FPT có thể ghi nhận khoản lợi nhuận "khủng" từ bán cổ phần FPT Retail trong năm 2017

Mức giá trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần FPT Retail cho DC và VinaCapital hiện tại chưa được công bố. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính của FPT, tại thời điểm 31/12/2016, FPT Retail có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó giá vốn khoản đầu tư của FPT là 170 tỷ đồng (chiếm 85%). Giá vốn lượng cổ phần bán ra 30% ước khoảng 60 tỷ đồng.

Giá trị thương vụ chưa được công bố. Tuy nhiên, FPT có thể chịu thuế suất do chuyển nhượng vốn theo quy định tại thông tư 78 năm 2014 của Bộ Tài chính.

Mới nhất, VinaCapital vừa tiết lộ đã rót 11 triệu USD (gần 250 tỷ đồng) cho thương vụ này nhưng cũng không cho biết chi tiết số lượng cổ phần đã mua.

Còn lại, phía Dragon Capital cho biết sẽ công bố tỷ lệ sở hữu trong 7 ngày theo Luật của Việt Nam về đầu tư.

Một điểm đáng lưu tâm nữa, khi FPT Retail không còn là công ty con, thì doanh thu hợp nhất của FPT cũng sẽ sụt giảm theo khoảng 30% (chính là tỷ trọng doanh thu của FPT Retail), tương tự lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đâu đó khoảng 9 – 10% (số liệu 6 tháng đầu năm 2017).

Tỷ trọng đóng góp trong doanh thu, lợi nhuận của FPT Retail với tập đoàn

Chiều ngược lại, FPT sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh khi mà FPT Retail có biên lợi nhuận khá mỏng dù tăng trưởng nhanh nhất khối. Biên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail hiện đang thấp hơn nhiều so với các mảng khác của FPT. Năm 2016, biên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt 2,5%, trong khi khối viễn thông đạt 17,97%, khối công nghệ đạt 11,02%. Biên lợi nhuận này của FPT Retail cũng thấp hơn của CTCP Thế Giới Di Động (MWG) là 4,4%.

Có thể thấy lợi thế từ việc thoái vốn trước mắt là FPT có thể thu được tiền, hạch toán lợi nhuận, gia tăng được hiệu quả sinh lời, tập trung thế mạnh công nghệ. Nhưng về dài hạn, các mảng còn lại sẽ phải tăng trưởng nhanh hơn, trước tiên là bù đắp sự sụt giảm từ mảng bán lẻ, sau đó là phân phối do không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất của FPT.

Sức ép thoái vốn từ đầu tư đa ngành

Quay trở lại quá khứ, năm 2007 FPT thể hiện tham vọng của mình bằng việc đầu tư sang hàng loạt lĩnh vực kinh doanh khác ngoài công nghệ. Cụ thể như trong lĩnh vực chứng khoán có FPT Securities (vốn điều lệ 440 tỷ đồng thời điểm đó), quản lý quỹ (FPT Capital) vốn lớn nhất thị trường 110 tỷ, thậm chí đá chân qua lĩnh vực ngân hàng (TPBank) hay đầu tư bất động sản (FPT Land).

Năm 2007 cũng là năm đánh dấu FPT tham gia vào lĩnh vực bán lẻ với các trung tâm bán lẻ mang thương hiệu [IN], tiền thân của FPT Retail sau này…

Chủ tịch FPT: Trương Gia Bình

Sự đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh vượt quá xa so với hoạt động kinh doanh cơ bản (công nghệ) của FPT cộng thêm diễn biến giá cổ phiếu FPT sụt giảm thê thảm khiến cho nhiều cổ đông tại thời điểm đó tỏ ra nghi ngại. Từ mức giá hơn 70.000 đồng/cp (sau điều chỉnh), cổ phiếu này giảm rất sâu xuống còn 9.000 đồng/cp chỉ trong vòng hơn 1 năm, tức là chỉ còn ở mức gần 1/7.

Các hoạt động kinh doanh ngoài ngành của FPT đều đi đến thất bại so với kỳ vọng. Và chính một vị lãnh đạo của FPT đã từng chia sẻ: “Sai lầm của chúng tôi là không tập trung vào sức mạnh cốt lõi và cho rằng mình cái gì cũng làm được”. Thậm chí người ta còn gọi vui FPT mắc căn bệnh “đột kim” – tức là thừa quá nhiều tiền nên đầu tư nhiều.

Những năm trở lại đây, sức ép từ cổ đông, từ thực tế thị trường, từ đối thủ cạnh tranh khiến FPT phải tập trung hoạt động hơn. Công ty đã đưa ra thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thoái vốn tại các công ty con tại đại hội cổ đông nhiều năm liền. Những thương vụ đã nằm trong kế hoạch như thoái vốn tại TPBank, FPT Trading hay vừa xong là bán 30% FPT Retail cho các đối tác DC và VinaCapital.

FPT Retail có phải là mở đầu cho chuỗi thoái vốn hàng loạt?

Tại ĐHCĐ thường niên 2014, FPT đã bàn tới kế hoạch thoái bớt vốn khỏi mảng phân phối (Công ty phân phối FPT - FPT Trading) và bán lẻ (FPT Retail). Đến nay, có vẻ kế hoạch này mới được khởi động.

Thời điểm cuối tháng 6/2017, Zing cho biết đưa tin về khả năng FPT đã hoàn tất đàm phán bán lại FPT Trading cho Synnex - tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực phân phối và có quy mô kinh doanh toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ghi nhận bất kỳ thông tin chính thức nào từ FPT.

Tại đại hội cổ đông năm 2016, ban lãnh đạo FPT cũng đã được cổ đông hỏi về kế hoạch thoái vốn tại ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Nhưng Tổng Giám đốc FPT cho biết, việc thoái vốn sẽ không mang lại lợi ích cho cổ đông do giá trị các khoản đầu tư này hiện đã giảm rất thấp. Đến nay, FPT vẫn đang nắm giữ khoảng hơn 9% cổ phần ngân hàng Tiên Phong…

Bạch Mộc
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: