Tờ Bangkok Post (Bưu điện Bangkok) của Thái Lan số ra ngày 30/3 nhận định bán lẻ và sản xuất là hai lĩnh vực mà các tập đoàn nước này có thể tham gia vào các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, trong khi ngân hàng và viễn thông được xem là các lĩnh vực thu hút khác đối với M&A.
Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải (trái). (Nguồn: bangkokpost)
Tờ Bangkok Post dẫn lời Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải, cho hay các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có thể sở hữu tới 49% cổ phần trong một công ty hoạt động trong các ngành nhất định, trong khi không có mức trần quy định tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, trừ một số ngành cụ thể như ngân hàng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, hạn mức quy định đối với tỷ lệ vốn sở hữu của nước ngoài là 30% đối với cả công ty niêm yết lẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo ông Phạm Hồng Hải, hiện đang diễn ra các cuộc thảo luận cấp chính phủ về khả năng tăng trần tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lên mức 60% trong năm nay (dành cho các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán) và điều này có thể tạo cơ hội cho các hoạt động M&A.
Ngoài ra, ông Phạm Hồng Hải dự đoán trong 5 năm tới, các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của họ (sang các nước khác) do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan sẽ chưa theo kịp các tập đoàn lớn về mức độ đầu tư vào Việt Nam do thiếu hiểu biết về các quy định cũng như đặc điểm của thị trường láng giềng này.
theo Vietnam+