ĐS&TD - Trung thu sắp đến gần, ngoài đèn lồng thì bánh Trung thu là mặt hàng được bày bán nhiều nhất, dễ thấy ở khắp nơi. Và, trong khi ngày càng có nhiều thương hiệu tham gia vào thị trường này thì sự cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, giá thành càng khiến cho cuộc đua lấy lòng khách hàng trở nên gay cấn.
Hộp bánh trung thu “cao cấp” với rượu ngoại trị giá trên chục triệu đồng (ảnh internet)
Cao lương mĩ vị đều có trong bánh Trung thu
Dường như giờ đây, bánh trung thu không còn đơn giản là chiếc bánh dành cho trẻ em, giúp trẻ tưởng tượng đến ông trăng vàng soi bóng, có chị Hằng, chú Cuội và cây đa. Nhiều loại bánh trung thu hiện nay được bày bán trên kệ với những cái tên mỹ miều, tạo cho người nghe cảm giác sang trọng, quý phái cứ như chỉ cần ăn vào là no ấm, sung túc, hạnh phúc tràn đầy… và dĩ nhiên, cái giá đi theo cũng rất chi là “sang chảnh”, có thể dao động từ 1 đến 15 triệu đồng/hộp.
Theo tư vấn của một nhân viên bán hàng, thường những loại bánh này dành để biếu hơn là để mua về ăn. Từ bánh bào ngư, vi cá, jambon, rhum nho…với cái giá khá đắt, tuy nhiên, được nhiều người tìm mua đến mức có khi hàng bán hết mà vẫn chưa về kịp. Bánh hạng sang cũng có hình thức “trọn bộ” để “vừa ý” khách hàng, như 1 hộp bánh trung thu cao cấp kèm theo 1 chai rượu ngoại,1 hộp trà, hay thậm chí cả tổ yến… Nhiều loại bánh còn được làm từ các nguyên liệu mà ngày xưa chỉ có trong cung đình, chẳng hạn, bánh được quảng cáo là có nhân sâm đế vương, linh chi, đông trùng hạ thảo, hải sâm, quế đen… Và đương nhiên, khi nhìn vào bảng giá thì chỉ có những tay “đại gia” mới dám bỏ tiền ra chi.
Nói về độ tinh xảo, sang trọng trong thiết kế thì phải nói đến các nhà hàng, khách sạn 5 sao. Cũng là một hộp bánh 2 trứng với giá dao động từ khoảng 700.000 đồng đến gần 1,4 triệu đồng, nhưng hộp bánh của khách sạn E.T với nhiều chi tiết tỉ mỉ, hoạ tiết cầu kỳ, thậm chí là bọc da, hay hộp sơn mài… đã thu hút được nhiều khách hàng, nhất là các công ty lớn dùng để biếu đối tác.
Phải thừa nhận, trong nhiều năm qua, bánh trung thu không còn là mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của trẻ nhỏ và người lớn trong ngày lễ trăng rằm nữa, mà chủ yếu là dành để biếu tặng. Không cần biết bên trong chất lượng bánh như thế nào, chỉ cần nhìn chiếc hộp bên ngoài trông bắt mắt, cứng cáp, sang trọng thì cũng đủ để trở thành một “món quà”. Vì lẽ đó, nhiều nhà sản xuất đã thi nhau chú trọng vào phần thiết kế, tăng cường độ tinh xảo của vỏ hộp, thay vì của chất lượng bánh. Có lẽ, càng đẹp về hình thức bao nhiêu thì khả năng bán chạy sẽ cao bấy nhiêu.
Trung thu cho… người lớn thể hiện “tình cảm”
Có thể nói, Trung thu chỉ có một ngày, nhưng thị trường bánh trung thu thì kéo dài cả 1-2 tháng trước đó. Dạo qua thị trường, với nhiều hộp bánh có mức giá cao như nêu trên chứng tỏ ngày nay, Trung thu không còn thuần tuý là “Tết thiếu nhi” nữa. Bên cạnh chuẩn bị Trung thu cho trẻ em, người ta cũng chuẩn bị Trung thu cho người lớn rất “chu đáo”.
Như đã trở thành thông lệ, trung thu là dịp để người ta bày tỏ sự quan tâm, là cơ hội chứng minh thành ý, trả, trao ơn nghĩa… Và không biết tự khi nào, người ta ngầm hiểu chất lượng bánh đem tặng càng cao thì “thành ý” càng nhiều. Do đó mà trung thu ngày càng xa rời thiếu nhi, lại càng xa hơn với những người nghèo. Nhiều người gọi đường đi của bánh trung thu là một vòng tròn luẩn quẩn: người này mua biếu người kia, người kia mua biếu người nọ, rồi người nọ biếu ngược lại người này. Cuối cùng, chẳng ai mua bánh để ăn dù giá bánh trung thu không hề rẻ chút nào.
Với chị Hương ở Giảng Võ (Hà Nội), Tết trung thu có một ý nghĩa khá “thiết thực”. Việc mua quà, đưa con đi chơi chỉ được xếp hàng thứ yếu. Mỗi khi đến Lễ, Tết, chị lại loay hoay xem nên mua quà gì, kèm phong bì với số tiền bao nhiêu để biếu “Sếp” của cả vợ, chồng với mong muốn vị trí tại cơ quan được “Sếp” cất nhắc, quan tâm.
Trong tâm lý của chị cũng như nhiều người khác, đấy là một sự đầu tư có lợi. Nếu không được “thăng tiến” thì cũng không bị “trù dập”. Mà, khi lỡ có lỗi với “Sếp” thì cũng sẽ được nể cho qua. Theo chân những hộp bánh “xịn” ấy đến nhà của một vị quan chức, từ cổng xa đã thấy nhiều người thập thò ngó nghiêng chờ đến lượt vào, với tâm lý hồi hộp, lo lắng, mong Sếp sẽ chú ý đến món quà “thành tâm” của mình.
Theo Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Tết Trung thu ngày nay đã bị một số người lợi dụng làm cơ hội để chạy chức, chạy điểm cho con... Những hành động này làm mất dần nét lành mạnh, trong sáng của ngày Tết trẻ em, làm mất thuần phong mĩ tục của người Việt. Trung thu là tết dành cho thiếu nhi, mà sao lại mang màu sắc của người lớn vào trong đó, nương theo những ơn nghĩa, ràng buộc?! Sự chi phối của người lớn đã làm mất đi không gian hồn nhiên, không khí lung linh, thơ mộng và làm phai nhạt tiếng cười của trẻ nhỏ trong ngày hội trăng rằm.
Tết Trung thu ngày nay đã bị một số người lợi dụng làm cơ hội chạy chức, chạy điểm… (ảnh internet)
Cũng theo ông Bình, về mặt thẩm mỹ, việc lợi dụng Trung thu để biếu quà là một hành vi xấu. Nó vô tình biến Trung thu thành cầu dẫn cho những mưu toan, chuộc lợi. Điều đáng báo động là thói xấu đó đang trở thành mốt, không chỉ đối với những người nhiều tiền mà những người thu nhập trung bình cũng bị cuốn vào trào lưu đó.
Minh Anh