Sự kiện hot
11 năm trước

Bánh Trung Thu Việt

Tết Trung Thu không chỉ có ở riêng Việt Nam, mà còn là Tết của nhiều nước, nhất là khu vực châu Á, và ở mỗi nước đều có loại bánh riêng dành cho ngày Tết này. Bánh Trung Thu Việt Nam có hương vị đặc biệt, và không giống bánh ở các nước…

Tết Trung Thu không chỉ có ở riêng Việt Nam, mà còn là Tết của nhiều nước, nhất là khu vực châu Á, và ở mỗi nước đều có loại bánh riêng dành cho ngày Tết này. Bánh Trung Thu Việt Nam có hương vị đặc biệt, và không giống bánh ở các nước…


Nói đến bánh Trung Thu nghĩa là nói đến bánh nướng, bánh dẻo. Trung thu mà thiếu hai loại bánh này thì không thể trọn vẹn mùa Trung Thu

Bánh Trung Thu bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ thời điểm nào không rõ, chỉ biết rằng đã từ lâu nó sống trong tâm thức của mỗi người Việt khi rằm tháng tám đến. Cũng giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, bánh Trung Thu của Việt Nam có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo. Với người Việt thì bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho âm dương, vì thế bánh thường có hình vuông và hình tròn theo nghĩa là trời và đất.

Xưa, bánh không có nhiều loại, nhiều hình dáng kích thước như bây giờ, mà chỉ đơn giản là vuông, tròn và một vài bánh hình cá hoặc đàn lợn cho đám con trẻ. Bánh truyền thống dù là bánh dẻo hay bánh nướng thì đều có lớp vỏ dày, nhân bánh cổ truyền là thập cẩm và đậu xanh trứng muối.

Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà làm bánh Trung Thu, mặc dù về công thức thì giống nhau, nhưng mỗi nhà đều gia giảm thêm những gia vị bí truyền để bánh của mình khác với các cửa hàng khác. Công thức chung là bánh nướng có vỏ làm từ bột mì, nước đường đun lẫn mạch nha và dầu ăn. Sau khi nặn bột đã ngào bao quanh nhân bánh thì cho vào khuôn ép tạo hình rồi đem nướng. Trong quá trình nướng để bánh có màu đẹp và bóng thì phết thêm lòng đỏ trứng.

Bánh dẻo có vỏ và nhân đều được làm chín từ trước. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp rang mịn, thêm chút hương liệu như vani hay nước hoa bưởi và nước đường. Sau khi ngào bột bao quanh nhân bánh thì cho vào khuôn tạo hình. Sau khi tháo ra khỏi khuôn bánh có thể được ăn ngay mà không cần chế biến thêm công đoạn nào nữa.

Trước đây, khi đất nước còn nghèo đến rằm Trung Thu từ người lớn đến trẻ nhỏ đều mong đến giờ phá cỗ để được thưởng thức thứ bánh ngon và đặc biệt.

Ngày đó chẳng có nhiều lựa chọn như bây giờ. Nhà nào khá giả thì đám trẻ con có thêm cái bánh hình con cá hay đàn lợn, hoặc phong bánh dẻo chay.

Giờ thì cuộc sống đầy đủ hơn, tại cửa hàng của các công ty bánh kẹo lớn như Kinh Đô, Haiha Kotobuki… bánh được bày bán quanh năm. Nếu như trước đây bánh chỉ có 2 loại nhân thì nay đã phát triển đến vài chục loại nào là nhân chè xanh, khoai môn, đậu đỏ, nhân hoa quả, nhân trứng muối, nhân hạt sen… Lại còn cả những loại cao cấp như bánh nướng nhân vi cá, nhân yến sào, nhân gà hạt sen…

Vài năm gần đây, do nhu cầu tặng quà cao cấp người ta còn nhập về đủ các loại bánh từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với mẫu mã lộng lẫy và giá cả cũng trên trời. Tuy vậy, bánh Trung Thu truyền thống của Việt Nam vẫn được ưa chuộng nhất, có lẽ bởi vì nó phù hợp với khẩu vị của người Việt, cũng  bởi nó đã in sâu trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam.

Một mùa Trung Thu mới lại đang đến, các cửa hàng ngoài phố đã ngập đầy bánh nướng, bánh dẻo. Đám trẻ nhỏ vẫn còn nguyên sự háo hức chờ đợi mùa trăng để được phá cỗ, để được ăn bánh Trung Thu. Còn người lớn thì dù không còn giữ được nguyên vẹn cảm xúc với rằm Trung Thu nữa, nhưng không bao giờ có thể quên hay thấy nhàm chán được hương vị bánh Trung Thu của Việt Nam. Bởi đêm rằm dù có mâm cao, cỗ đầy đến mấy mà thiếu đi cặp bánh nướng, bánh dẻo thì không thể được coi là Tết Trung Thu.

Lan Hương
theo Thanh tra

Từ khóa: