(ĐS&TD) - Đến nay, phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2014. Bên cạnh các ngân hàng “đua nhau” báo lãi, trong đợt này đã xuất hiện một số ngân hàng khác báo lỗ, thậm chí có một vài ngân hàng “cất” luôn báo cáo tài chính không công bố rộng rãi ra công chúng.
Ngân hàng đua báo lãi, Vietinbank dẫn đầu
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2014 đạt 13.228 tỷ đồng. Hai lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt là lãi từ hoạt động ngoại hối đạt 309 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ trước; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 116 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần. Tuy nhiên, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư của VietinBank lỗ 133 tỷ đồng, trong kỳ cùng kỳ trước lãi 117 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 11% so với cùng kỳ trước đạt mức 7.032 tỷ đồng; còn dự phòng rủi ro tín dụng thì giảm 6% và ở mức 2.493 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng 9 tháng 2014 đạt 4.276 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng 2013; lợi nhuận thuần của cổ đông ngân hàng là 4.265 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2014, huy động khách hàng của VietinBank đạt 397.868 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với đầu năm; tín dụng đạt 398.879 tỷ đồng, tăng 6%. Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank cuối tháng 9/2014 là 1,75% tổng dư nợ trong khi đầu năm chỉ là 1%. Tổng tài sản của VietinBank tăng 8% so với đầu năm, đạt gần 621.000 tỷ đồng.
Đến nay, Vietinbank đang là ngân hàng dẫn đầu về kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014. Bên cạnh đó, những “ông lớn” khác trong khối ngân hàng quốc doanh cũng công bố lợi nhuận khả quan và có nợ xấu giảm.
Chẳng hạn, báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy, thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm đạt 8.057 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.272 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng huy động 9 tháng đầu năm của Vietcombank khá tốt là 16,58% so với đầu năm, đạt 387.326 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 89.046 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn là 292.080 tỷ đồng. Tín dụng của ngân hàng cũng khả quan với mức tăng trưởng 10,16%, đạt 302.181 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,54% tổng dư nợ, giảm so với số liệu đầu năm (2,72%). Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn tăng 69,27% lên 4.726 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 11.190 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 13% so với 9 tháng 2013. Chi phí hoạt động là 6.510 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng là 3.914 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 3.505 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/9, tăng trưởng huy động của BIDV là 18% so với đầu năm, đạt 399.574 tỷ đồng, trong khi tăng trưởng cho vay chỉ đạt 5,5%, tương đương 412.434 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ, nợ quá hạn chiếm hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng dư nợ cho vay. Nợ có khả năng mất vốn tăng 28% so với đầu năm lên mức 5.371 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,26% hồi đầu năm xuống còn 1,93%.
Trong lúc tăng trưởng tín dụng không cao, đến cuối tháng 9/2014, BIDV có 65.411 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán. Trong đó, ngân hàng có 52.325 tỷ đồng mua chứng khoán chính phủ (trái phiếu), tăng hơn 19% so với đầu năm.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm không được khả quan bằng và tỷ lệ nợ xấu ở khối này có xu hướng tăng.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lợi nhuận sau thuế 9 tháng là 734 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 9/2014, tổng tài sản của Eximbank là 141.132 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng là 89.569 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm. Trong khi đó cho vay khách hàng lại giảm 3,9% đạt 80.070 tỷ đồng. Về chất lượng nợ, nợ có khả năng mất vốn tăng 32% so với cuối năm 2013 lên mức 1.412 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm ở mức 1,98% lên 3,36% tổng dư nợ.
Cùng hoàn cảnh, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng 2014 đạt 837 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gần gấp đôi cùng kỳ năm trước ở mức 664 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2014, huy động của ngân hàng tăng trưởng 8,7% và đạt 150.183 tỷ đồng, tăng trưởng cho vay là 5,6% so với đầu năm, đạt 113.163 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% ở mức 3,07% tổng dư nợ của ngân hàng, tương đương 3.479 tỷ đồng.
Ngoài Eximbank và ACB đang có nợ xấu trên 3%, danh sách này còn có các ngân hàng khác như Ngân hàng Quân Đội (MB) 3,06%, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) 4,94%.
“Cất” báo cáo tài chính
Bên cạnh những ngân hàng đua nhau báo lãi thì vẫn còn đó những ngân hàng có kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi, thậm chí là thua lỗ.
Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) chỉ đạt 237,7 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý 3/2014, giảm 64,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.102 tỷ đồng, giảm 41,4%.
Khác với ngân hàng khác, trong quý 3/2014, DongA Bank bất ngờ báo lỗ trước thuế 66 tỷ đồng và sau thuế lỗ 76 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của DongA Bank cũng chỉ có 220 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ngân hàng này đạt 149 tỷ đồng, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm 2013.
Qua việc “thông báo lỗ” lần này, DongA Bank được đánh dấu là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam công bố lỗ tại thời điểm quý 3/2014.
Không riêng gì DongA Bank, năm 2014 cũng là năm không mấy thuận lợi đối với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khi liên tiếp “mắc kẹt” trong chính những bước đi của mình. Quý 3/2014, nhiều hoạt động kinh doanh của ngân hàng lỗ nặng nề. Cụ thể, hoạt động dịch vụ lỗ hơn 78 tỷ đồng trong quý 3 và lỗ 226 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ 36,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 20,8 tỷ đồng. Quý 3/2013, kết quả kinh doanh của hoạt động khác khiến LienVietPostBank lỗ 7,2 tỷ đồng thì trong quý này con số lỗ lên đến 48 tỷ đồng.
Còn nhớ, do hoạt động kinh doanh thua lỗ quá nhiều, điều này đã khiến LienVietPostBank “tạm thời cất” một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính. Việc này dễ nhận thấy khi báo cáo tài chính đã được soát cho kỳ hoạt động từ ngày 1/1 - 30/6/2014 của LienVietPostBank được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam có 65 trang nhưng ngân hàng này chỉ công bố từ trang 1-9 gồm: Báo cáo của Ban Tổng Giám đốc; Báo cáo kết quả công tác soát xét Báo cáo tài chính; Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; còn từ trang 10-65 là Thuyết minh báo cáo tài được ngân hàng này cất đi.
Bên cạnh những ngân hàng báo lỗ thì có một số ngân hàng không biết vì lý do gì vẫn chưa công bố hoặc quyết định “giấu nhẹm” báo cáo tài chính từ quý 2/2014 đến nay, điều này khiến cho cổ đông gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu về hoạt động của ngân hàng mà mình bỏ vốn vào cũng như những nhà đầu tư mới có ý định đầu tư vào tiêu biểu như: MaritimeBank, HDBank, Viet Capital Bank, VietBank, VietA Bank…
Bảo Bảo - Chí Tâm