Vụ cô dâu Hoàng Thị Nam vừa bị chồng sát hại sáng 24/5, đã khiến dư luận Hàn Quốc một lần nữa phẫn nộ. Hãng tin Yonhap, nhật báo Daejeon và mạng café Daum ra cùng ngày đã có bài viết về vấn đền này.
Vụ cô dâu Hoàng Thị Nam vừa bị chồng sát hại sáng 24/5, đã khiến dư luận Hàn Quốc một lần nữa phẫn nộ. Hãng tin Yonhap, nhật báo Daejeon và mạng café Daum ra cùng ngày đã có bài viết về vấn đền này.
Nhật báo Daejeon viết: Lại thêm một cô dâu Việt Nam bị chồng sát hại dã man. Thảm kịch cô dâu Việt Nam Thạch Thị Hoàng Ngọc bị chồng giết xảy ra tại Busan trôi qua chưa đầy 10 tháng (tháng 7/2010), lại thêm một bi kịch nữa.
Theo cảnh sát “Người chồng 37 tuổi vì bị người vợ Việt Nam của mình đòi ly hôn nên vung dao đâm hàng chục nhát giết chết người vợ của mình. Cậu con trai mới có 19 ngày tuổi lúc đó vẫn còn đang nằm khóc.” Quả là một người chồng mặt người tâm thú.
Ở góc độ nào đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những cuộc hôn nhân với các cô gái nước ngoài thường rất dễ đổ vỡ.
Các trung tâm môi giới có thể bắc cầu cho để họ lấy vợ nước ngoài nhưng các cô dâu sau khi sang Hàn Quốc sinh sống cùng gia đình chồng, sẽ có hàng loạt mâu thuẫn trong cuộc sống. Xét ra, thảm kịch lần này cũng như bi kịch từng xảy ra ở Busan, đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống vợ chồng. Vấn đề là những chuyện đó đều được giấu kín và không để lộ ra ngoài nên những khi cần thiết, những mâu thuẫn đó đã không được hóa giải bằng những cách đúng đắn.
Các cô dâu nước ngoài, sau khi kết hôn cũng thường vướng phải tình trạng bạo lực gia đình. Có một thực tế là những vụ bạo lực, sát nhân, hiếp dâm đang gia tăng đến mức báo động.
Thống kê cho thấy chỉ trong tháng một năm nay đã có 10 vụ cưỡng hiếp em gái của vợ, là người quốc tịch Việt Nam. Vào tháng Ba vừa qua, đã có một vụ một cô dâu người Campuchia bị đầu độc bằng cách cho uống thuốc ngủ chết rồi phóng hỏa đốt nhà. Động cơ gây tội chính là để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Một cô dâu 20 tuổi người Philippines vì không thể chịu đựng nổi những hành động tàn ác của chồng đã ăn cắp tiền rồi bỏ trốn. Và trước tòa cô đã được phán trắng án.
Chính phủ đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề trên nên đã đề ra nhiều đối sách. Thắt chặt tiêu chuẩn cấp visa kết hôn, xem xét về hoàn cảnh kinh tế, tình trạng hôn nhân của các chú rể, nhân thân... nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc nào nữa có thể xảy ra.
Hãng tin Yonhap cho rằng ngay sau vụ cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc bị đâm chết hồi tháng 7/2010, cả Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đã ra các đối sách để ngăn ngừa các sự việc tương tự tái diễn. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập quy định bắt buộc công ty môi giới cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, nhân thân, nghề nghiệp cho hai bên cô dâu, chú rể và quy định này đã được thực thi từ tháng 11/2010.
Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong việc đào tạo nữ giới và lành mạnh hóa các cuộc hôn nhân quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết cử cán bộ phụ trách tư vấn đào tạo người di trú kết hôn sang Việt Nam và thẩm tra lý lịch trước khi cấp visa kết hôn.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách liên quan như tăng cường kiểm soát hoạt động của các công ty môi giới kết hôn quốc tế; mặt khác, thông qua Hội liên hiệp phụ nữ để tăng cường tuyên truyền về sự thật cuộc sống, tránh ảo tưởng về hôn nhân với người nước ngoài.
Đề cập vấn đề này, bà Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thủy từng nói rằng cần có Ủy ban cấp chính phủ để giám sát một cách có chuyên môn về kết hôn quốc tế; đồng thời chỉ ra rằng các đoàn thể ở địa phương cũng cần cải thiện chương trình đào tạo nghề cho phụ nữ để giảm số nữ giới muốn lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế.
Còn mạng café Daum viết: trên thực tế, việc đàn ông Hàn Quốc kết hôn với những cô gái trẻ, chênh lệch tuổi tác lớn đến từ các nước Đông Nam Á không phải là chuyện khó khăn gì. Nếu kết hôn bằng tình yêu, chuyện chênh lệch tuổi tác có thể không thành vấn đề nhưng không có tình yêu, thông qua môi giới, đây là vấn đề cần hết sức thận trọng mới đúng.
Những người đàn ông Hàn Quốc, trước khi thực hiện mong muốn của mình là lấy vợ cũng cần phải suy nghĩ xem cô gái trẻ này có thực sự yêu mình mà lấy hay chỉ đơn giản vì nghĩ đến tiền mà muốn kết hôn?.
Với những phụ nữ Đông Nam Á, có thể chỉ vì suy nghĩ muốn báo đáp gia đình, hoặc có thể muốn thay đổi cuộc sống của bản thân mà sẵn sàng chấp nhận sang đất nước Hàn Quốc giàu có hơn, chấp nhận lao lực sống để có thể có tiền giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, họ đâu có biết được những người đàn ông Hàn Quốc có thực sự là những người tử tế?
Thành thực mà nói, không thể giấu được cái cảm nhận buồn khi mà chỉ vì nghèo khó mà phải chấp nhận kết hôn với một người hơn rất nhiều tuổi. Có rất nhiều phụ nữ Đông Nam Á đã chấp nhận lấy các nam giới Hàn Quốc nhiều hơn mình trung bình 20 tuổi.
Mạng café Daum cũng viết: hình ảnh các phụ nữ Việt Nam trong mắt người Hàn Quốc vốn thật là đẹp đẽ. Thật là vô cùng đáng tiếc. Sự kiện lần này chắc chắn không thể không gây phản cảm trong một thời gian lâu nữa.
Khánh Vân (Vietnam+)