Sự kiện hot
7 tháng trước

Bảo hiểm nhân thọ vẫn còn gặp khó khăn sau hơn một năm khủng hoảng niềm tin

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%.

Bảo hiểm nhân thọ vẫn còn gặp khó khăn sau hơn một năm khủng hoảng niềm tin.  
Bảo hiểm nhân thọ vẫn còn gặp khó khăn sau hơn một năm khủng hoảng niềm tin

Cụ thể, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ do không chịu ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin. Ở chiều ngược lại, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 70.300 tỷ đồng, giảm 10,5%.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.300 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 795.500 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 951.800 tỷ đồng, tăng 9,1%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,1%.

Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt nhân thọ, với thị phần chiếm 17,9%. Thứ hạng trên thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng thay đổi đáng kể, đứng kế tiếp là Dai-ichi (15,3%), Prudential (14,6%).

Manulife lùi sâu về vị trí thứ 4, chiếm 10,3% thị phần, trước khi khủng hoảng bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp này nhiều năm đứng đầu bảng về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: AIA (6,1%), FWD (6,1%), Sun Life (5,7%), Generali (5,4%), Chubb (5,4%), Cathay (4,4%), MB Ageas (4,2%). 08 doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 4,6%.

Hiện, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (52,5%) với 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, doanh thu khai thác mới của sản phẩm này giảm mạnh xuống còn 5,000 tỷ đồng. Xét theo số lượng hợp đồng, sản phẩm này chiếm hơn một nửa lượng hợp đồng bán mới trong 4 tháng qua.

Tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 188.641 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 36,9%), nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 29.749 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 5,8%). Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 4,7%.

Nhìn chung, hợp đồng khai thác mới sản phẩm liên kết đầu tư sụt giảm mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư.

Đến nay, theo điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7/2024 tới đây, ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh vi phạm để tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Cũng trong năm 2024, theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, năm 2024, Thanh tra Cục sẽ thực hiện thanh tra 6 doanh nghiệp. Cụ thể, 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam (Cathay life) và 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico); Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina (Samsung Vina); Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng hông (VNI) và Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC).  

Về hoạt động ngân hàng, Tổng cục Thống kê cho biết: mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: