Dantin - Vừa qua, liên tiếp diễn ra một loạt sự việc gây chú ý của dư luận như xây cầu vượt tại đàn Xã Tắc, tu bổ chùa Diên Hựu - Một Cột, người dân làng cổ Đường Lâm viết đơn xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia.
Dantin - Vừa qua, liên tiếp diễn ra một loạt sự việc gây chú ý của dư luận như xây cầu vượt tại đàn Xã Tắc, tu bổ chùa Diên Hựu - Một Cột, người dân làng cổ Đường Lâm viết đơn xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia.
Phóng viên đã trao đổi với GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa nhiều năm qua luôn quan tâm đến những địa danh này.
Việc xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia mặc dù không phản ánh nguyện vọng của tất cả người dân làng cổ Đường Lâm nhưng đã nói lên những bất cập trong việc quản lý, bảo tồn di sản tại những làng cổ hiện nay, thưa GS?
Năm 2005, khi đến dự buổi công nhận danh hiệu Di tích Quốc gia cho làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, HN) tôi thấy cả làng hứng khởi trước sự kiện đó. Nhưng sau khi công nhận di tích, đã có những những bất cập xảy ra mà các ngành chức năng chậm xử lý nên mới diễn ra chuyện này. Ở đây không thể trách một bộ phận người dân Đường Lâm không có “tinh thần Di tích” vì họ vẫn nặng lòng với nhà cửa của tổ tiên, nơi mình đã sinh ra. Nhưng vấn đề là bên cạnh “tinh thần di tích”, họ còn có tinh thần sống. Khi tăng dân số mà vẫn phải đóng khung trong những diện tích chật chội thì người dân sẽ phản ứng là điều có thể hiểu được.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên tắc của bảo tồn làng cổ là phải tuân thủ đúng Luật Di sản văn hóa, trong khi nơi đây có đông dân sinh sống chứ không như các di tích như đình, chùa, đền, miếu… có điều kiện hơn trong việc giữ gìn nguyên trạng. Do vậy, nếu chưa có cơ chế đặc thù cho làng cổ thì sẽ gặp vấn đề trong việc bảo tồn, mà câu chuyện cách đây chưa lâu về việc nhiều nhà cổ tại làng Cự Đà bị chính gia chủ tự phá để xây nhà tầng là một bài học đáng để suy ngẫm.
Vậy vấn đề chủ yếu để bảo tồn những làng cổ hiện nay là gì, thưa Giáo sư?
Là phải tạo cơ hội để họ giãn dân, như Hội An (Quảng Nam) đã từng làm. Tuy nhiên, đối với người Hội An, do đặc thù là cư dân buôn bán nên họ có điều kiện hơn để tìm thêm nơi ở mới khi có nhu cầu. Hơn nữa, nhà cổ tại Hội An đã tạo ra lợi ích cho người dân khi họ có thể kinh doanh ngay tại nơi ở của mình. Trong khi đó người dân Đường Lâm không có nghề phụ đủ sức kiếm tìm nơi ở mới nên chính quyền cần phải bố trí đất giãn dân cho họ. Đáng tiếc trong 8 năm qua kể từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận danh hiệu Di tích Quốc gia, chính quyền và ngành văn hóa đã chưa phối hợp được với nhau để giải quyết vấn đề này. Đến khi sự việc bung ra thì những ngày qua các cấp có trách nhiệm từ địa phương đến thành phố mới hối hả vào cuộc, tuy hơi trễ nhưng còn hơn không.
Sau khi giải quyết xong chuyện này, vấn đề lớn hơn là phải dung hòa được lợi ích giữa nhà nước, người dân và các công ty du lịch tại làng cổ Đường Lâm thì việc bảo tồn mới lâu bền được. Khai thác du lịch tại Đường Lâm cần được quản lý một cách quy chuẩn hơn để người dân phải có được lợi ích cụ thể từ việc bảo tồn nhà cổ mang lại.
Được biết, vấn đề giữa bảo tồn và phát triển không chỉ diễn ra ở nước ta mà tại nhiều nước trên thế giới?
Có dịp đến nhiều nước ở châu Á và châu Âu, tôi thấy họ đều quy hoạch một khu tái định cư để người dân tại các làng cổ giãn dân sang đó khiến việc tăng dân số không gặp vấn đề về nhà ở. Khu mới nên ở gần khu cũ để hai nơi trở thành một quan hệ tương hỗ, qua đó thấy được văn hóa truyền thống và sự phát triển. Đơn cử như ở Bỉ, giữa con đường trục lớn, khu mới sẽ được xây dựng những tòa nhà mới, còn khu cổ cần bảo tồn những kiến trúc xưa như nhà cửa, đường, vỉa hè… Mỗi khu hiện đại và cổ kính có những cách ứng xử văn hóa khác nhau, không phá hoại giá trị của nhau. Việc giải quyết hài hoà giữa bảo tồn và phát triển là cách làm đúng đắn hiện nay.
Bên cạnh câu chuyện làng cổ Đường Lâm, sự tranh luận trong thời gian gần đây về việc xây dựng cầu vượt tại đàn Xã Tắc cũng là một biểu hiện của sự bảo tồn và phát triển?
Đúng vậy. Lễ tế ở đàn Xã Tắc thuộc loại quan trọng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long xưa. Nhiều nhà sử học, khảo cổ học, văn hóa… đã cho rằng đây là một di sản cần bảo tồn nghiêm ngặt, không nên làm những công trình ảnh hưởng đến đàn Xã Tắc. Nhưng những ngành khác gắn với sự phát triển lại cho rằng những bức xúc về giao thông hiện nay cần phải được nỗ lực giải quyết. Hiện các ngành chức năng đã nói lên quan điểm của mình, còn việc lựa chọn là do cấp trên quyết định.
Được biết ngày 15/5 vừa qua, Giáo sư đã dự cuộc hội thảo để bàn phương án nhằm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột. Quan điểm của ông về việc này ra sao?
Chùa Diên Hựu-Một Cột là một địa điểm đặc biệt về văn hóa, truyền thống của người Việt, nên việc trùng tu rất nhạy cảm. Chùa và điện Mẫu chỉ cần giữ và tu sửa. Trung tâm chính của chùa Diên Hựu-Một Cột trước năm 1954 đã đúng như vậy rồi, sau đó khi địch phá hủy đã được tu bổ lại đúng như bản vẽ cũ nên chúng ta không có quyền thay đổi. Với di tích chùa Diên Hựu - Một Cột hiện nay cần giữ nguyên hiện trạng, nếu hỏng đâu tu bổ đấy hoặc hạ giải để trùng tu, nhưng phải đúng nguyên gốc và bảo đảm yếu tố khoa học.
Xin cảm ơn Giáo sư.
Kiến Nghĩa