Sự kiện hot
5 năm trước

Bắt đầu xếp hạng các tổ chức tín dụng

Các TCTD sẽ được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí, trong đó từng tiêu chí xếp hạng bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở số liệu hoạt động của TCTD; Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của TCTD.

Các TCTD sẽ được xếp thành 5 hạng

NHNN vừa ban hành Thông tư 52/2018/TT-NHNN về việc quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là các TCTD). Thông tư 52 chính thức có hiệu lực từ 1/4/2019 sẽ thực hiện xếp hạng cho toàn bộ các TCTD thay vì chỉ xếp loại cho các ngân hàng TMCP như Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN và bắt đầu áp dụng để xếp hạng các TCTD từ năm 2019.

Việc xếp hạng các TCTD phục vụ mục tiêu quản lý để ngăn ngừa rủi ro

Về nguyên tắc, việc xếp hạng sẽ phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các TCTD và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Theo đó, TCTD sẽ được chia thành các nhóm đồng hạng. Cụ thể, Nhóm 1 bao gồm các NHTM có quy mô lớn (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 100.000 tỷ đồng); Nhóm 2 là NHTM có quy mô nhỏ (tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng bằng hoặc thấp hơn 100.000 tỷ đồng); Nhóm 3 là chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nhóm 4 là khối công ty tài chính; Nhóm 5 là các công ty cho thuê tài chính và Nhóm 6 là Ngân hàng hợp tác xã.

Các TCTD sẽ được xếp hạng theo hệ thống tiêu chí, trong đó từng tiêu chí xếp hạng bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở số liệu hoạt động của TCTD; Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của TCTD.

Trọng số của nhóm chỉ tiêu, trọng số của từng chỉ tiêu theo từng nhóm đồng hạng được xác định trên cơ sở tầm quan trọng của từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu đối với mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng và yêu cầu của công tác thanh tra, giám sát.

Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, TCTD sẽ được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A), Khá (B), Trung bình (C), Yếu (D) hoặc Yếu kém (E).

Hệ thống tiêu chí xếp hạng trong Thông tư 52 xác định, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản, Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản, Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường. Các tiêu chí trên được quy định cụ thể về các chỉ tiêu định lượng, và các chỉ tiêu định tính. Đơn cử, tiêu chí Vốn có các chỉ tiêu định lượng như: Tỷ lệ an toàn vốn; Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 và 4 chỉ tiêu định tính.

Đặc biệt, Thông tư 52 cũng quy định chi tiết cách tính điểm. Theo đó, tổng điểm xếp hạng của TCTD được xác định trên cơ sở tổng điểm của từng tiêu chí sau khi nhân với trọng số của từng tiêu chí.

Về xếp hạng, TCTD được xếp vào hạng A (Tốt) nếu có tổng điểm xếp hạng lớn hơn hoặc bằng 4,5; hạng B (Khá) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5; hạng C (Trung bình) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5; hạng D (Yếu) nếu tổng điểm nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5; hạng E (Yếu kém) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 1,5.

Quản lý kết quả xếp hạng

Liên quan đến việc quản lý kết quả xếp hạng, Thông tư quy định rõ, TCTD không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba (bao gồm cả ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài) dưới bất kỳ hình thức nào. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các đơn vị khác thuộc NHNN và các tổ chức, cá nhân quản lý nhà nước khác thuộc đối tượng được cung cấp kết quả xếp hạng các TCTD phải thực hiện lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

Còn nhớ thời điểm Thông tư vẫn đang ở dạng Dự thảo, NHNN đã lý giải rõ về vấn đề này. Theo NHNN Việt Nam, khác với mục tiêu xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, kết quả xếp hạng các TCTD được cơ quan quản lý sử dụng trong công tác cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng TCTD cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống, để từ đó đưa ra các hành động về chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo vệ tài sản và quyền lợi của người gửi tiền. Do mục đích khác nhau, nên NHTW, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các TCTD như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ.

“Theo các quy định pháp luật hiện hành, căn cứ vào kết quả xếp hạng, NHNN Việt Nam sẽ thực hiện các hành động, biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng TCTD, như: Sử dụng kết quả xếp hạng để xem xét, đánh giá về mức độ an toàn, lành mạnh của các TCTD; kịp thời xác định các TCTD có tiềm ẩn và nguy cơ rủi ro, qua đó có các biện pháp ngăn chặn như cảnh báo sớm tới các TCTD, yêu cầu TCTD xây dựng và thực hiện các phương án khắc phục; đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt…”, NHNN cho biết.

Đồng tình với quy định này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng không nên công khai kết quả xếp hạng ra bên ngoài bởi tính nhạy cảm của thông tin có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của hệ thống.

Dẫn ra hai lý do, một chuyên gia ngân hàng cho biết, thứ nhất, việc làm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế khi các NHTW trên thế giới và các cơ quan quản lý ngành ngân hàng khi xếp hạng tín nhiệm các TCTD hoặc các ngân hàng trong phạm vi quản lý, cũng xếp tin tức đó là thông tin tối mật và mang tính nhạy cảm.

Thứ hai, các TCTD sẽ được xếp hạng theo tín nhiệm theo 5 hạng A, B, C, D, E. Trong đó các TCTD hạng D (yếu) và E (kém), nên nếu thông tin đó lan ra bên ngoài dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng này, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống.

“Kết quả xếp hạng chỉ nên được sử dụng để phục vụ mục tiêu quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền, không nên công khai ra bên ngoài để đảm bảo an toàn hệ thống”, vị chuyên gia trên kết luận.

Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: