Sự kiện hot
12 tháng trước

Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024

Tiếp nối vị trí “sao mở đường” của năm 2023, năm 2024, bất động sản công nghiệp vẫn được dự đoán là phân khúc sáng cửa giữa xu hướng khó khăn của bất động sản nói chung.

Thông tin từ CBRE cho biết, trong năm 2023 mặc dù nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn nhưng bất động sản (BĐS) công nghiệp vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%, trong khi khu vực phía Nam đạt 92%. Đáng chú ý, diện tích hấp thụ tại thị trường miền Bắc đạt mức cao nhất trong năm năm qua, vượt 800 ha, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường miền Nam, do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế, có diện tích hấp thụ thấp hơn 32% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 500 ha. 
Tại các thị trường cấp 1 miền Bắc, giá thuê nhà kho xây sẵn duy trì ổn định so với năm ngoái ở mức 4,6 USD/m2/tháng. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình 4,8 USD/m2/tháng, tăng 3,9% theo năm. Sự tăng trưởng về giá thuê nhà xưởng xây sẵn là nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ và các dự án mới có vị trí tốt.

Tại thị trường miền Nam, giá thuê nhà kho xây sẵn hiện ở mức 4,6 USD/m2/tháng, tăng 4,7% theo năm. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tại khu vực này ở mức 4,9 USD/m2/tháng, tăng 2,3% theo năm. Mức giá thuê trung bình tăng lên do các dự án tiêu chuẩn cao mới tại TP HCM và Long An hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm.

Các loại  hình công nghiệp (ảnh minh họa)

Nguồn vốn FDI đổ về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng
Vụ trưởng Vụ Thống kê đầu tư - xây dựng (Tổng cục Thống kê - TCTK) - bà Phí Thị Hương Nga cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 26,6 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm trước tăng 32,1%. Số vốn giải ngân FDI năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỷ USD, cao hơn nhiều năm gần đây. Các nhà đầu tư FDI cũng đã tiến hành rót vốn vào Việt Nam với hàng loạt dự án quy mô từ vài trăm triệu cho đến hàng tỷ USD.

Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… dòng vốn đầu tư FDI đến từ các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trưởng, dẫn dắt nguồn cầu thị trường bất động sản công nghiệp trong nước năm 2024.

Luật đất đai 2024 ảnh hưởng đến giá bất động sản công nghiệp
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng nhận định, Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024 nhưng đối với các Dự án chưa hoàn thành pháp lý cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án để nắm bắt cơ hội trước khi Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.

Luật Đất đai 2024 sửa đổi được thông qua mới đây đã bỏ khung giá đất, quy định này được đánh giá ít nhiều sẽ khiến giá đền bù đất bám sát với giá thị trường. Theo góc nhìn của nhiều Chuyên gia, với bất cứ ngành nghề nào, khi chi phí đầu vào tăng thì cũng đều khiến giá thành tăng theo.

Vì vậy có 2 su hướng xuất hiện trên thị trường. Một là các chủ đầu tư có năng lực, nguồn tiền sẵn sẽ tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đã có Chủ trương đầu tư. Hai là một số doanh nghiệp sẽ hướng đến M&A các dự án đang bị ngộp dòng tiền để nắm bắt cơ hội. 

Nguồn Cung bất động sản công nghiệp
Trải qua 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, câu chuyện dòng tiền trên thị trường vẫn đang rất khó khăn, nhiều khi chủ đầu tư muốn làm nhưng đành lực bất tòng tâm một phần vì tài chính, một phần vì hành lang pháp lý bị chồng chéo. Chưa kể ngân hàng chỉ cho vay đối với những dự án bất động sản Công nghiệp hoàn chỉnh pháp lý và đã có giấy phép xây dựng. Vì vậy trong năm 2024 sẽ chưa có nhiều sản phẩm Bất động sản công nghiệp hoàn chỉnh hạ tầng, pháp lý được tung ra thị trường.

Cụm công nghiệp (CCN) Phương Trung, Thanh Oai - "Điểm sáng đầu tư"
Luôn giữ vững phương châm "Rộng cửa đón nhà đầu tư", nêu cao tinh thần cầu thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, CCN Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông kết nối, hạ tầng đầu tư đồng bộ, hiện đại, sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội, hứa hẹn là “Điểm sáng” thu hút các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp trong và ngoài nước.

Cổng vào Cụm công nghiệp Phương Trung

Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng Liên Việt, Chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Phương Trung cho biết: Cụm công nghiệp Phương Trung bắt đầu ký Hợp đồng thuê đất với nhà đầu tư thứ cấp  từ tháng 12/2023. Ngay khi ký xong Hợp đồng thuê đất, Chủ đầu tư đã bàn giao đất thực địa và hỗ trợ các nhà đầu tư thứ cấp hoàn thiện ngay các thủ tục môi trường, PCCC, Giấy phép xây dựng đủ điều kiện trong Quý I/2024 có ít nhất 30% diện tích đất trong Cụm công nghiệp sẽ khởi công xây dựng các Nhà máy. 

Hiện trạng hạ tầng cụm công nghiêp

Việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng các nhà máy đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của kinh tế địa phương và kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm,tạo thu nhập ổn định cho người lao động; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa,hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới. hiện thực hóa  mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 10,2%/năm, từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV

Theo KTDU
 

Từ khóa: