Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản thương mại dịch vụ, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Không ít trong số các doanh nghiệp này có nguy cơ rơi vào nợ xấu nếu không được hỗ trợ về thuế, bảo hiểm và cơ cấu kỳ hạn trả nợ.
Doanh nghiệp bất động sản gặp khó
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay: “Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó, nhiều phân khúc bất động sản như bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại dịch vụ… bị ảnh hưởng nặng nề. Với các phân khúc này, nếu doanh nghiệp không được cơ cấu nợ, giảm lãi, hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội…, thì sẽ rơi vào nguy cơ mất thanh khoản. Khi đó, cả ngân hàng cũng bị ảnh hưởng vì nợ xấu tăng lên”.
Theo thống kê của Công ty Savills, đại dịch Covid-19 đang khiến ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất. Trong 3 tuần đầu tháng 3/2020, công suất phòng khách sạn ở Việt Nam chỉ còn dưới 10%. Thậm chí, một số chủ đầu tư ở các “thủ phủ nghỉ dưỡng” như Đà Nẵng, Hội An… phải tính dừng hoạt động.
Các doanh nghiệp bất động sản cho hay, ngay cả phân khúc nhà cũng đang chững lại vì người mua ngừng kế hoạch mua nhà vì lo ngại dịch bệnh sẽ làm giảm thu nhập. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bất động sản đang đứng trước nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận, thậm chí bị vướng vào nợ xấu, mất thanh khoản, phá sản…
Thông tin của các ngân hàng cũng cho thấy, rất nhiều khách vay là doanh nghiệp bất động sản và cá nhân vay mua nhà có thể không trả được nợ đúng hạn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, hiện chỉ các tập đoàn lớn hoặc các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng tiêu dùng là ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, còn doanh nghiệp các ngành khác, như kinh doanh ô tô vận tải, nông sản, bất động sản nghỉ ngưỡng… đều bị ảnh hưởng nhất định.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không khẩn trương hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ “chết lâm sàng”, kéo theo sự đi xuống của nhiều ngành kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Điệp cho biết, với những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại hiện nay, điều quan trọng nhất là phải được ngành ngân hàng hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi vay với các khoản vay hiện hữu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang rất mong được giãn thuế và hỗ trợ tiền thuê đất.
Đề nghị giãn nợ, tạo cơ chế cho bất động sản huy động vốn
Tuần qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bổ sung nhóm doanh nghiệp bất động sản vào nhóm đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp bất động sản.
Tán thành với đề xuất này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên đưa doanh nghiệp bất động sản vào nhóm đối tượng được hỗ trợ.
“Bất động sản là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, liên quan đến hàng loạt ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng của đất nước (vật liệu xây dựng, du lịch, ngân hàng...). Vì vậy, không nên loại doanh nghiệp bất động sản ra khỏi danh sách hỗ trợ”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.
Hiện nay, tuy các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ… đều rủi ro và bất ổn, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, song bất động sản vẫn chưa thu hút được nguồn vốn của nhà đầu tư. Lý do là, từ đầu năm 2020, tín dụng bất động sản tiếp tục bị các ngân hàng siết chặt thêm một bậc theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Covid-19 khiến mọi hoạt động kinh doanh ngừng trệ, cả nhà đầu tư và chủ đầu tư đều ngồi im thận trọng.
Để bất động sản đứng vững trong mùa dịch, ngoài cơ chế hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, cơ cấu nợ…, nhiều doanh nghiệp đề xuất có gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội trước đây… Về lâu dài, trong điều kiện tín dụng bất động sản bị siết chặt, cần các chính sách thông thoáng để doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn trên thị trường.
Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ còn trầm lắng đến hết năm 2020 và chỉ phục hồi trở lại vào năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội- "Hiện nay, ngân hàng quản lý rất chặt tín dụng bất động sản, nên thị trường không có hiện tượng bong bóng. Đồng thời, cũng không lo ngại bất động sản rơi vào khủng hoảng như giai đoạn 2011 - 2012, vì thời điểm đó, khủng hoảng thừa, còn hiện nay nguồn cung đang thiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về về tín dụng, lãi suất, thuế… để khỏi rơi vào tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản.
Ngoại trừ phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số phân khúc khác như nhà ở, bất động sản công nghiệp, đất nền vùng ven, khu đô thị xanh… vẫn rất nhiều tiềm năng, thanh khoản tốt. Nếu có chiến lược tốt, nguồn vốn dồi dào, đây chính là thời cơ cho nhà đầu tư bất động sản, không chỉ cá nhân, mà với cả những tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản" -
Theo Báo Đầu tư